Xây dựng pháp luật

Các ý kiến góp ý cho dự thảo luật giao dịch điện tử (dự thảo 5.1)

19/12/2022 14:01 CH

 Dự thảo luật giao dịch điện tử đã khẳng định tính pháp lý của các giao dịch bằng phương pháp điện tử. Dự thảo đã thể hiện rõ những nguyên tắc cơ bản của giao dịch điện tử là tự nguyện, tự thỏa thuận và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan, đồng thời khẳng định chính sách của nhà nước trong việc phát triển giao dịch điện tử, thúc đẩy phát triển chuyển đổi số, kinh tế số và xã hội số. Hiện trong dự thảo luật quy định khá đầy đủ các phương tiện để thực hiện giao dịch điện tử như chữ ký số, hợp đồng điện tử, chứng thư điện tử…Tuy nhiên, theo chúng tôi vẫn còn một số tồn tại chưa phù hợp cần điều chỉnh, ví dụ như các đối tượng là tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch điện tử đã mở rộng cả các đối tượng là chủ thể quản lý các hệ thống thông tin, các nền tảng số không trực tiếp tham gia hay thực hiện giao dịch. Và dự thảo đã tạo ra những thủ tục hành chính mới, tạo nên những rào cản cho việc thực hiện các giao dịch điện tử.

          Về quy định phải đăng ký chữ ký dùng riêng tại điều 27 dự thảo chúng tôi thấy rằng quy định này tạo ra một thủ tục hành chính mới. Vấn đề đặt ra là với góc nhìn của doanh nghiệp có sử dụng chữ ký số thì chúng tôi cần biết ký do của sự cần thiết thực hiện thủ tục này. Việc doanh nghiệp sử dụng chữ ký dùng riêng cho mục đích nội bộ là rất phổ biến và không làm phát sinh rủi do pháp lý với người tiêu dùng, khách hàng hay doanh nghiệp. Chính vì vậy mà việc phải đăng ký và được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn là thủ tục cần phải đánh giá sự cần thiết của quy định này. Đồng thời, về phía nhà nước cũng cần có nhân lực, hệ thống kỹ thuật để đánh giá chữ ký số chuyên dùng của tổ chức, cá nhân có đảm bảo điều kiện an toàn hay không.
          Đối với việc công nhận và sử dụng chữ ký số nước ngoài (Điều 28), theo chúng tôi hiện nay việc sử dụng chữ ký số nước ngoài là rất phổ biến trong các giao dịch của tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc cá nhân, tổ chức có tham gia giao dịch với đối tác nước ngoài hoặc giao dịch của chủ thể nước ngoài thực hiện tại việt nam cũng yêu cầu tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài phải được công nhận tại việt nam theo quy định sẽ tạo thành một rào cản lớn cho các giao dịch điện tử. Hiện quy định của dự thảo chưa thấy rõ việc áp dụng chữ ký số nước ngoài hay áp dụng với tổ chức cung cấp dịch vụ chữ ký số nước ngoài. Chúng tôi thấy rằng về yêu cầu “kết nối với hệ thống kỹ thuật của Tổ chức chứng thực điện tử quốc gia để đảm bảo cho việc kiểm tra hiệu lực của chữ ký điện tử” là một quy định khó khả thi.
          Dự thảo luật quy định khái niệm về nền tảng số và nền tảng số trung gian đang dẫn đến sự không thống nhất trong dự thảo. Bởi định nghĩa về nền tảng số trung gian là nền tảng số mà chủ quản của nền tảng số độc lập với các bên giao dịch. Như vậy thì chủ quản của nền tảng số trung gian không phải là đối tượng điều chỉnh của luật này bởi hiện dự thảo đang quy định đối tượng áp dụng của luật là tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch.
          Dưới góc độ là tổ chức thực hiện những giao dịch điện tử chúng tôi có một vài ý kiến góp phần hoàn thiện dự thảo luật, rất mong cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu nếu thấy phù hợp để xây dựng một hệ thống quy phạm pháp luật về giao dịch điện tử minh bạch, thống nhất và hiệu quả.

Hoàng Thu Hường - Vụ Pháp chế