1. Phạm vi điều chỉnh của Luật công nghiệp công nghệ số:
Luật công nghiệp công nghệ số quy định về hoạt động công nghiệp công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.
- Hoạt động công nghiệp công nghệ số được xác định bao gồm 03 loại hình (công nghiệp phần mềm, công nghiệp phần cứng, công nghiệp nội dung số) với các biện pháp đảm bảo phát triển phù hợp nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước.
- Dự thảo Luật được kế thừa, thay thế các quy định về phát triển CNTT trong Luật CNTT (tập trung vào Chương III); đồng thời bổ sung một số quy định mới phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ số: (1) Thử nghiệm sản phẩm, dịch vụ hội tụ công nghệ số; (2) Quản lý, thúc đẩy phát triển sản phẩm công nghệ số thiết kế và sản xuất trong nước, trọng yếu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo; (3) Dữ liệu số phục vụ phát triển công nghiệp công nghệ số; (4) Phát triển trung tâm tính toán hiệu năng cao.
2. Mối quan hệ với Luật Công nghệ thông tin
Luật CNTT quy định về hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, các biện pháp bảo đảm ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin.
Theo đó, Luật CNTT tập trung quy định vào 2 trụ cột chính là hoạt động và các biện pháp đảm bảo phát triển cho: 1) Công nghiệp CNTT; 2) Ứng dụng CNTT.
- Về hoạt động Công nghiệp CNTT và các biện pháp bảo đảm phát triển Công nghiệp CNTT: Dự thảo Đề cương Luật Công nghiệp công nghệ số quy định về hoạt động công nghiệp công nghệ số và bảo đảm phát triển công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam trên cơ sở kế thừa, bổ sung và thay thế các quy định về phát triển CNTT trong Luật CNTT (chủ yếu tập trung vào Chương III và Chương IV).
- Về hoạt động và các biện pháp bảo đảm phát triển ứng dụng CNTT:
(1) Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ cơ quan nhà nước,… : Hiện dự thảo Luật Giao dịch điện tử sửa đổi đang quy định về giao dịch điện tử trong cơ quan nhà nước, dự kiến bãi bỏ Điều 58 (Cơ sở dữ liệu quốc gia) và Điều 59 (Cơ sở dữ liệu Bộ, ngành, địa phương);
(2) Ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực: Thương mại, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa-thông tin, quốc phòng, an ninh và một số lĩnh vực khác; Quy định về thiết lập trang thông tin điện tử, cơ sở hạ tầng cho ứng dụng công nghệ thông tin...: các nội dung này đang được quy định tại Chương II Luật CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đánh giá, trong trường hợp cần thiết sẽ đề xuất sửa đổi, bổ sung, thay thế để bảo đảm hoàn thiện hệ thống pháp luật về ứng dụng CNTT đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số, kinh tế số, xã hội số;
(3) Một số nội dung khác bao gồm: về chống thư rác, về bảo đảm an toàn bí mật thông tin riêng, thông tin hợp pháp của tổ chức cá nhân; Bảo vệ tên miền quốc gia Việt Nam “.vn”; Hình thức giải quyết tranh chấp về đăng ký, sử dụng tên miền quốc gia Việt Nam “.vn” (Chương 4, 5); … vẫn đang được thực thi, không phát sinh bất cập cần sửa đổi, bổ sung, thay thế;
(4) Nội dung về bảo vệ cơ sở hạ tầng thông tin, chống virut máy tính và phần mềm gây hại (Chương 5) và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan đã được điều chỉnh cụ thể, toàn diện tại Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.
Như vậy, việc đã và đang xây dựng một loạt các văn bản quy phạm pháp luật (Luật An toàn thông tin mạng, Luật An ninh mạng, Luật Giao dịch điện tử, dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số, …) sẽ dẫn đến nội hàm và kết cấu của Luật CNTT đã và đang từng bước được điều chỉnh, thay thế. Việc bãi bỏ Luật CNTT cũng cần có lộ trình phù hợp, ngay khi có đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật mới thay thế toàn bộ các quy định hiện hành trong Luật công nghệ thông tin.