Chính sách pháp luật mới

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG BAN HÀNH THÔNG TƯ 17/2022/TT-BTTTT

15/12/2022 10:41 SA

 Ngày  29/11/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ký ban hành Thông tư số 17/2022/TT-BTTTT Ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA - Phần truy nhập vô tuyến”.

          1. Sự cần thiết ban hành Thông tư:
          Hiện nay, công nghệ IoT được chia làm 04 nhóm:
          (1) Nhóm mạng diện rộng truyền thống (GSM, W-CDMA, E-UTRAN, 5G): Phù hợp với các ứng dụng như điện thoại di động, camera an ninh, giao thông thông minh,… với gói tin lớn, độ trễ thấp, thời gian sử dụng phin ngắn, chi phí khá cao, vùng phủ rộng.
          (2) Nhóm mạng diện hẹp (Wifi, Bluetooth, Zigbee,…): Phù hợp với các ứng dụng trong nhà (smart home) truyền gói tin lớn (Wifi) hoặc nhỏ (Bluetooth, Zigbee,…), thời gian sử dụng pin ngắn (thường được kết nối nguồn), chi phí thấp, vùng phủ hạn chế.
          (3) Nhóm vệ tinh: Phù hợp với những khi vực không có kết nối khác (giám sát tàu biển, logistic trên biển,…) với vùng phủ rộng, gói tin nhỏ, thời gian sử dụng pin ngắn, chi phí rất cao.
          (4) Nhóm mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN): Phù hợp với các kết nối small thing (chủ yếu là sensor) với yêu cầu truyền gói tin nhỏ, tiết kiệm pin, độ trễ cao, chi phí thấp, vùng phủ rộng. LPWAN bao gồm: NB-IoT, LTE-M và Lora, Sigfox. Mạng NB-IoT, LTE-M đã được chuẩn hoá bởi tổ chức 3GPP, phát triển dựa trên hạ tầng mạng E-UTRAN sẵn có (RAN và Core), tránh nhiễu và bảo mật. Trong khi đó, Lora và Sigfox không được chuẩn hoá bởi 3GPP. Do vậy, mạng NB-IoT và LTE-M được lựa chọn và triển khai rộng rãi trên toàn thế giới, đặc biệt là mạng NB-IoT.
          Trên thế giới đang có 123 mạng NB-IoT đã được triển khai tại 64 quốc gia, các doanh nghiệp cung cấp khoảng 565 chủng loại thiết bị với khoảng trên 500 triệu thiết bị đầu cuối NB-IoT.
          Công nghệ NB-IoT được 3GPP chuẩn hoá và công bố năm 2016 (release 13) như sau:  
          - 3GPP TS 36.101: Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); User Equipment (UE) radio transmission and reception.
          - 3GPP TS 36.521-1: Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA); User Equipment (UE) conformance specification; Radio transmission and reception;
          - 3GPP TS 36.508: Evolved Universal Terrestrial Radio Access (E-UTRA) and Evolved Packet Core (EPC); Common test environments for User Equipment (UE) conformance testing.
          Những năm gần đây tại Việt Nam, cùng với sự phát triển của xã hội, của đất nước, các doanh nghiệp viễn thông đã đẩy mạnh việc xây dựng hạ tầng viễn thông, nâng cao chất lượng mạng lưới phục vụ đông đảo khách hàng và đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của Chính phủ. Theo đó, từ năm 2019, các doanh nghiệp này đã tổ chức nghiên cứu, quy hoạch và triển khai thử nghiệm cung cấp các dịch vụ NB-IoT với chất lượng dịch vụ tốt, đảm bảo kết nối cho khách hàng tại các thành phố lớn như: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng.
          Ngoài việc nghiên cứu triển khai thử nghiệm mạng NB-IoT và cung cấp các dịch vụ cho khách hàng, các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã và đang giới thiệu, cung cấp các sản phẩm thiết bị đầu cuối NB-IoT như: Công tơ nước thông minh, công tơ điện thông minh, đèn đường thông minh, bãi đỗ xe thông minh, giám sát người già và trẻ con,… Tuy nhiên, các sản phầm này vẫn chưa triển khai rộng rãi và thiếu công tác hợp chuẩn, hợp quy thiết bị.
          Hiện nay tại Việt Nam, thiết bị đầu cuối thông tin di động được quản lý thông qua hình thức bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Việc chứng nhận hợp quy được Bộ Thông tin và Truyền thông quy định trong Thông tư số 30/2011/TT-BTTTT ngày 31/10/2011, Thông tư số 15/2018/TT-BTTTT ngày 15/11/2018 và Thông tư số 10/2021/TT-BTTTT ngày 07/05/2021 quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông.
          Sản phẩm, hàng hóa chuyên ngành công nghệ thông tin và truyền thông bắt buộc phải chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy hoặc bắt buộc phải công bố hợp quy được quy định tại Thông tư số 01/2021/TT-BTTTT ngày 14/5/2021 quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông. Trong đó, một số thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất GSM, W-CDMA FDD, E-UTRA FDD bắt buộc phải chứng nhận hợp quy theo quy chuẩn QCVN 117: 2020/BTTTT. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông mới chỉ ban hành QCVN 122:2020/BTTTT ngày 16/11/2020 về thiết bị mạng diện rộng công suất thấp (LPWAN) băng tần 920 MHz đến 923 MHz nhưng không bao gồm thiết bị vô tuyến sử dụng công nghệ NB-IoT, dẫn đến không có sở cứ phục vụ công tác hợp chuẩn, hợp quy thiết bị đầu cuối NB-IoT.
          Do đó, để xây dựng cơ sở pháp lý hợp chuẩn, hợp quy thiết bị đầu cuối NB-IoT này phục vụ triển khai rộng rãi các ứng dụng IoT tại Việt Nam, việc xây dựng và ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối NB-IoT” là cần thiết, nhằm hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn/quy chuẩn kỹ thuật quốc gia lĩnh vực thông tin và truyền thông.  
          2. Nội dung chính của Thông tư:
          Cũng như rất nhiều các Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật khác, Thông tư 17/20228/TT-BTTTT bao gồm các nội dung chính về:
          (1) Quy định chung.
          (2) Quy định kỹ thuật. Tại nội dung này, Thông tư đưa ra hai nội dung chính về: điều kiện môi trường và yêu cầu kỹ thuật.
          (3) Phương pháp đo.
          (4) Quy định về quản lý
          (5) Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.
          (6) Tổ chức thực hiện.
          - Phạm vi điều chỉnh: Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến của các thiết bị đầu cuối IoT băng hẹp E-UTRA hoạt động trên một hoặc nhiều băng tần quy định trong Bảng 1và các băng tần được quy hoạch của Việt Nam.
          - Đối tượng áp dụng của Thông tư: Quy chuẩn này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có hoạt động sản xuất, kinh doanh các thiết bị thuộc phạm vi điều chỉnh của quy chuẩn này trên lãnh thổ Việt Nam.
          - Thời điểm có hiệu lực của Thông tư: kể từ ngày 01/7/2023.

Nguyễn Thu Trang - Vụ Pháp chế