Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020 và Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chủ trì xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ dự thảoQuyết định của Thủ tướng Chính phủ về Mạng truyền số liệu chuyên dùng phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước.
Mạng truyền số liệu chuyên dùng được xây dựng dựa trên các chủ trương, định hướng của Trung ương, Chính phủ về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan Đảng, Nhà nước, đó là Chỉ thị số 58-CT/TW ngày 17/10/2000 của Ban Chấp hành Trung ương về “Đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, công văn số 104-CV/TW ngày 12/11/2002 của Ban Chấp hành Trung ương về tổ chức thực hiện Chỉ thị 58-CT/TW và Đề án tin học hóa hoạt động của các cơ quan Đảng giai đoạn 2001-2005, trong đó giao Bộ Bưu chính, Viễn thông trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án triển khai xây dựng mạng đường truyền số liệu chuyên dùng tốc độ cao, dung lượng lớn, công nghệ hiện đại. Ngày 19/02/2004, tại công văn số 228/CP-CN của Chính phủ về việc xây dựng mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước, Chính phủ giao cho Cục Bưu điện Trung ương trực tiếp xây dựng và quản lý vận hành mạng này.
Kể từ khi xây dựng và đưa vào sử dụng, mạng truyền số liệu chuyên dùng đã triển khai kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước từ trung ương đến cấp xã, phát huy hiệu quả vai trò trong việc thiết lập các mạng dùng riêng phục vụ cơ quan Đảng, Quốc hội (như mạng thông tin diện rộng của Đảng, mạng diện rộng Quốc hội…); các ứng dụng, nền tảng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số (trục liên thông văn bản điện tử quốc gia, cổng dịch vụ công quốc gia, nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia…); các nhiệm vụ quan trọng của quốc gia (triển khai nhanh chóng, thần tốc hệ thống hội nghị truyền hình theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với phạm vi từ Chính phủ đến từng xã, phường, thị trấn trên toàn quốc phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành phòng chống dịch Covid-19).
Mặc dù việc triển khai hạ tầng kết nối các cơ quan Đảng, Nhà nước đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải giải quyết để mạng truyền số liệu chuyên dùng đáp ứng yêu cầu là hạ tầng mạng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số. Cụ thể:
- Hệ thống văn bản điều chỉnh hoạt động của mạng truyền số liệu chuyên dùng còn thiếu đồng bộ, chủ yếu là các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, điều hành thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chưa có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh tổng thể hoạt động của mạng về tổ chức mạng lưới, phạm vi phục vụ, đối tượng phục vụ, dịch vụ, ứng dụng, chất lượng, bảo đảm an toàn thông tin và các cơ chế bảo đảm hoạt động của mạng là hạ tầng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số
- Mạng truyền số liệu chuyên dùng trong thực tế được chia làm hai chủ thể quản lý, dẫn đến không thống nhất về mô hình quản lý, tài nguyên mạng, kết nối, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, an toàn thông tin; mạng sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau; năng lực mạng không đồng đều, phụ thuộc vào tiềm lực và mức độ ưu tiên của địa phương.
- Chưa có các công cụ để quản lý giám sát mạng, giám sát an toàn thông tin và kiểm soát các truy nhập vào mạng để bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn thông tin.
- Các ứng dụng của cơ quan Đảng, Nhà nước hiện đang triển khai đồng thời trên mạng truyền số liệu chuyên dùng và các mạng khác, chưa tách bạch được các ứng dụng cần triển khai trên mạng truyền số liệu chuyên dùng để bảo đảm chất lượng và bảo đảm an toàn thông tin. Nhiều địa phương sử dụng ứng dụng phục vụ chính quyền địa phương qua môi trường Internet, tuy chi phí có thấp hơn nhưng tồn tại nhiều lỗ hổng, mất an toàn, an ninh mạng.
- Việc sử dụng nhiều chủng loại thiết bị đầu cuối sử dụng các giao thức quản lý mạng khác nhau gây khó khăn trong việc quản lý chất lượng dịch vụ giám sát, kiểm soát truy nhập tập trung để bảo đảm an toàn thông tin cho mạng từ trung ương đến cấp xã.
Ngày 15/6/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 942/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó: mạng truyền số liệu chuyên dùng được định hướng là hạ tầng truyền dẫn căn bản trong kết nối các hệ thống thông tin, liên thông, chia sẻ dữ liệu phục vụ Chính phủ số, kết nối liên thông, xuyên suốt 04 cấp hành chính. Mặc dù các quy định hiện hành đã tạo hành lang pháp lý để mạng truyền số liệu chuyên dùng là hạ tầng để các cơ quan Đảng, Nhà nước triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin, tuy nhiên môi trường pháp lý cần phải tạo điều kiện để triển khai các định hướng mới, bảo đảm phát triển hạ tầng mạng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số, cụ thể:
- Mạng truyền số liệu chuyên dùng thống nhất trong tổ chức, quản lý, kết nối và bảo đảm an toàn thông tin;
- Bảo đảm chất lượng, an toàn, bảo mật thông tin;
- Là hạ tầng kết nối, trao đổi, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan sử dụng Đảng, Nhà nước ở trung ương và địa phương;
- Các kết nối vào mạng truyền số liệu chuyên dùng được giám sát, kiểm soát tập trung.
Với những nội dung nêu trên, việc xây dựng và ban hành
Quyết định về Mạng truyền số liệu chuyên dùng là cần thiết, tạo khung pháp lý quan trọng vừa quản lý vừa thúc đẩy hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng, đồng thời đáp ứng yêu cầu mạng là hạ tầng phục vụ Chính phủ điện tử, Chính phủ số trong giai đoạn mới.