Căn cứ yêu cầu tại công văn số 1607/BTP-VĐCXDPL ngày 20/5/2022 của Bộ Tư pháp về việc báo cáo tình hình thực hiện Chỉ số cải thiện các quy định của pháp luật, căn cứ nội dung yêu cầu tại Đề cương gửi kèm, Bộ Thông tin và Truyền thông báo cáo tình hình thực hiện như sau:
I. TÌNH HÌNH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN
1. Về chỉ đạo, điều hành
Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành các quyết định, văn bản chỉ đạo, thực hiện các giải pháp cải thiện Chỉ số cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật:
- Quyết định số 1943/QĐ-BTTTT ngày 08/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc phê duyệt Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 2100/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành Kế hoạch kiểm tra và Kế hoạch rà soát văn bản QPPL thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 161/QĐ-BTTTT ngày 30/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc ban hành Kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 2095/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2021 của Bộ trưởng Bộ TTTT Về việc tổ chức hội nghị tuyên truyền, giải đáp trực tiếp các chính sách pháp luật và khảo sát phục vụ xây dựng cơ chế chính sách liên quan tới lĩnh vực thông tin và truyền thông năm 2022;
- Quyết định số 148/QĐ-BTTTT ngày 27/01/2022 của Bộ trưởng Bộ TTTT về việc Ban hành Kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật được giao tại Quyết định số 2114/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án Định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV năm 2022
- Chỉ thị số 01/CT-BTTTT ngày 18/01/2022 của Bộ TTTT về định hướng phát triển ngành Thông tin và Truyền thông năm 2022 và giai đoạn 2022-2024.
2. Kết quả triển khai thực hiện
2.1. Về lập đề nghị xây dựng văn bản QPPL
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình Chính phủ 02 Hồ sơ lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật gồm:
- Tờ trình số 20/TTr-BTTTT ngày 22/02/2022 của Bộ TTTT gửi Văn phòng Chính phủ về việc trình Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi);
Kết quả: Ngày 24/02/2022, Văn phòng Chính phủ đã gửi Công văn số 1171/VPCP-PL về việc đồng ý với nội dung báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 20/TTr-BTTTT ngày 22/02/2022. Giao Bộ Thông tin và Truyền thông hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật viễn thông (sửa đổi) theo đúng quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gửi Bộ Tư pháp để tổng hợp vào dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi đã trình đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, để dự án luật kịp đưa ra thảo luận tại 2 kỳ họp Quốc hội và thông qua trong năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng kế hoạch dự kiến xây dựng dự án luật theo các mốc thời gian cụ thể.
- Đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số tại Báo cáo số 280/BTTTT-CNTT ngày 28/01/2022 gửi Văn phòng Chính phủ và Công văn số 584/BTTTT-CNTT ngày 24/02/2022 về việc hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số.
Kết quả: ngày 15/02/2022, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn số 966/VPCP-PL thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về việc đồng ý với đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Công văn số 584/BTTTT-CNTT ngày 24 tháng 02 năm 2022 về việc tiếp tục tham vấn, lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chuyên gia và nhà khoa học, đánh giá tác độngcủa các đề xuất chính sách, hoàn thiện các nội dung chính sách trong Đề nghị xây dựng Luật, hoàn thiện hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật công nghiệp công nghệ số trong năm 2022 để bổ sung dự án Luật công nghiệp công nghệ số vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10 năm 2023.
2.2. Về xây dựng, ban hành văn bản QPPL
2.2.1. Xây dựng, ban hành văn bản QPPL
Trong giai đoạn từ 16/12/2021 đến 15/12/2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền 02 Nghị định của Chính phủ, 01 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 10 Thông tư của Bộ trưởng, cụ thể:
- Nghị định số 14/2022/NĐ-CP ngày 27/01/2022 của Chính phủ: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP ngày 03 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử và Nghị định số 119/2020/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản;
- Nghị định số 25/2022/NĐ-CP ngày 12/4/2022 Sửa đổi, bổ sung một điều của Nghị định số 47/2011/NĐ-CP ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số nội dung của Luật Bưu chính;
- Quyết định số 38/2021/QĐ-TTg ngày 29/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 71/2013/QĐ-TTg ngày 21 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia được sửa.
- Thông tư số 01/2022/TT-BTTTT ngày 17/02/2022 Sửa đổi 1:2022 QCVN 102:2016/BTTTT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cấu trúc mã định danh và định dạng dữ liệu gói tin phục vụ kết nối các hệ thống quản lý văn bản và điều hành”;
- Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT ngày 16/5/2022 Quy định Danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Thông tin và Truyền thông.
- 08 Thông tư thuộc Chương trình năm 2021 của Bộ TTTT gồm các Thông tư số 25/2021/TT-BTTTT, 26/2021/TT-BTTTT, 27/2021/TT-BTTTT, 28/2021/TT-BTTTT, 29/2021/TT-BTTTT, 30/2021/TT-BTTTT, 31/2021/TT-BTTTT và 32/2021/TT-BTTTT.
2.2.2. Xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết: Theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2022 của Quốc hội, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Theo Chương trình, dự án Luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022) và thông qua tại kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2022). Thực hiện nhiệm vụ này, song song với việc hoàn thiện nội dung Luật trình Quốc hội, Bộ TTTT còn triển khai xây dựng 01 Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Văn bản quy định chi tiết sẽ ban hành đồng thời với dự án Luật sau khi được Quốc hội thông qua.
2.3. Công tác rà soát, kiểm tra văn bản QPPL
2.3.1. Về công tác rà soát văn bản QPPL
- Thực hiện hiệu quả Kết luận số 19-KL/TW ngày 14 tháng 10 năm 2021 của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sau đây gọi tắt là Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị) và Đề án số 292-ĐA/ĐĐQH15 ngày 20 tháng 10 năm 2021 của Đảng đoàn Quốc hội về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sau đây gọi tắt là Đề án của Đảng đoàn Quốc hội), trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai rà soát để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc nghiên cứu, đề xuất xây dựng mới đối với 02 Luật (Luật Bưu chính và Luật Báo chí) theo đúng nhiệm vụ được giao.
Trên cơ sở ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ và các cá nhân, tổ chức có liên quan, Bộ TTTT đã hoàn thiện Báo cáo Chính phủ về kết quả rà soát như sau:
+ Báo cáo số 57/BC-BTTTT ngày 31/3/2022 về kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Báo chí năm 2016 và kiến nghị sửa đổi, bổ sung: Trên cơ sở rà soát 128 văn bản, bao gồm 41 luật, bộ luật, 58 nghị định, 27 thông tư, 02 thông tư liên tịch và các văn bản quy phạm pháp luật khác, Bộ TTTT đã phát hiện ra 27 nội dung, nhóm nội dung có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn của pháp luật báo chí.
+ Báo cáo số 62/BC-BTTTT ngày 12/4/2022 về kết quả nghiên cứu, rà soát, đánh giá kết quả thực hiện Luật Bưu chính và đề xuất: Trên cơ sở rà soát 79 văn bản, bao gồm 15 Luật; 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 25 Nghị định và 35 Thông tư, Thông tư liên tịch, Bộ TTTT nhận thấy có 01 nội dung chưa phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật liên quan và 08 nội dung bất cập, không còn phù hợp thực tiễn.
- Về việc công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần: ngày 26/01/2022, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 138/QĐ-BTTTT công bố danh mục VBQPPL hết hiệu lực, ngưng hiệu lực toàn bộ hoặc một phần thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021. Theo đó, trong năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông có 25 văn bản hết hiệu lực toàn bộ (05 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 20 Thông tư) và 11 văn bản hết hiệu lực một phần (09 Thông tư, 01 Thông tư liên tịch và 01 Quyết định của Bộ trưởng).
- Ngoài ra, trong 06 tháng đầu năm 2022, Bộ TTTT đã thực hiện một số nhiệm vụ rà soát theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương có liên quan.
2.3.2. Về công tác kiểm tra, xử lý văn bản QPPL
Trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ TTTT đã thực hiện tự kiểm tra đối với 02 Thông tư mới ban hành (Thông tư số 01/2022/TT-BTTTT và Thông tư số 02/2022/TT-BTTTT) và kiểm tra tra theo thẩm quyền đối với 06 văn bản do Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố gửi về.
2.4. Đánh giá chung về việc cải thiện chất lượng các quy định của pháp luật
- Các nhiệm vụ chính trị và văn bản QPPL được Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao đã được thể chế hóa, cụ thể hóa kịp thời, đồng bộ, phù hợp tình hình thực tiễn của ngành, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành của Bộ được thể chế hóa bằng pháp luật.
- Quá trình tham mưu xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ cơ bản đã tuân thủ đầy đủ quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật, từ việc tổ chức soạn thảo, lấy ý kiến của các cơ quan, đơn vị, Bộ, ngành có liên quan, xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, Vụ Pháp chế trước khi trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.
- Việc xây dựng và ban hành các văn bản QPPL có tác động tích cực đến kết quả thực hiện các nhiệm vụ trong công tác, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.
3. Một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân
- Một số văn bản trong quá trình xây dựng còn gặp nhiều ý kiến khác nhau của đối tượng chịu sự tác động, đặc biệt trong bối cảnh phạm vi điều chỉnh của các văn bản liên quan đến các quy định về quản lý xuyên biên giới, các nội dung truyền đưa trên môi trường mạng…việc thống nhất nội dung chính sách quy định giữa cơ quan quản lý nhà nước với đối tượng chịu sự tác động của văn bản là một trong những yếu tố làm thời gian ban hành văn bản bị kéo dài;
- Một số chính sách quy định tại các văn bản do Bộ TTTT xây dựng có các quy định liên quan đến công tác quản lý nhà nước do Bộ, ngành khác chủ trì, do đó, việc chậm ban hành văn bản quản lý do phải chờ văn bản cấp trên ban hành cũng là một khó khăn về tính kịp thời, cấp bách trong việc sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ quản lý nhà nước phù hợp với thực tiễn hiện nay (ví dụ: việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 06/2016/NĐ-CP đã trình Chính phủ ban hành, tuy nhiên, việc ban hành phải chậm lại để chờ các quy định liên quan của Luật Điện ảnh sửa đổi đang được xây dựng).
II. ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định để thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2011/NĐ-CP của Chính phủ ngày 04/7/2011 quy định chức năng, quyền hạn và tổ chức bộ máy của tổ chức pháp chế.
2. Đối với Bộ, ngành
Đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, điều tiết, bổ sung biên chế cho Bộ TTTT để bố trí, phân bổ cho Vụ Pháp chế của Bộ theo quy định.