Giám định Tư pháp

Quyết định số 20/QĐ-BTTP của Cục Bổ trợ tư pháp về ban hành Tài liệu bồi dưỡng kiến thức pháp lý về giám định tư pháp

15/04/2022 09:49 SA

 

BỘ TƯ PHÁP
CỤC BỔ TRỢ TƯ PHÁP  
 
TÀI LIỆU
BỒI DƯỠNG KIẾN THỨC PHÁP LÝ
VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 20/QĐ-BTTP ngày 22/3/2022 của Cục trưởng
Cục Bổ trợ tư pháp)
Giám định tư pháp là hoạt động bổ trợ tư pháp, là công cụ quan trọng, phục vụ đắc lực cho hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và công tác thi hành án hình sự, góp phần quan trọng vào việc giải quyết các vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng cũng như nhu cầu giám định của cá nhân, tổ chức, pháp luật về giám định tư pháp cũng từng bước được hoàn thiện, cụ thể là: i) Nghị định số 117/HĐBT ngày 21/7/1988 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ); ii) Pháp lệnh Giám định tư pháp (Pháp lệnh); iii) Luật Giám định tư pháp được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XIII, Kỳ họp thứ ba thông qua ngày 20 tháng 6 năm 2012 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013; iv) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021; v) Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp (Nghị định số 85/2013/NĐ-CP) và Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
Cùng với việc Quốc hội ban hành Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Luật Tố tụng hành chính 2015, các luật liên quan khác và các Thông tư của các bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn thực hiện Luật Giám định tư pháp đã tạo sự liên thông, đồng bộ giữa quy định của pháp luật về giám định tư pháp với quy định của pháp luật về tố tụng, là cơ sở pháp lý vững chắc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng.
Hoạt động giám định tư pháp cung cấp nguồn chứng cứ phục vụ hoạt động tố tụng. Theo quy định tại Điều 86 của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì: “Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định, được dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội và những tình tiết khác có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. Những gì có thật nhưng không được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự quy định thì không có giá trị pháp lý và không được dùng làm căn cứ để giải quyết vụ án hình sự”. Khoản 6 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định: Kết luận giám định được coi là chứng cứ nếu việc giám định đó được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.
Vì vậy, để kết luận giám định được sử dụng là “chứng cứ” trong việc giải quyết vụ án, vụ việc đòi hỏi việc thực hiện giám định phải theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về giám định tư pháp và pháp luật tố tụng. Do đó, cùng với yêu cầu về tiêu chuẩn; chuyên môn, nghiệp vụ; yêu cầu người thực hiện giám định tư pháp hiểu biết pháp luật, nắm được kỹ năng pháp lý liên quan là yêu cầu tất yếu, khách quan.
Nội dung tài liệu này nhằm cung cấp kiến thức pháp luật, kỹ năng pháp lý cơ bản, có tính chất chung nhất mà mỗi người giám định tư pháp phải nắm vững và tuân thủ khi thực hiện giám định tư pháp. Ngoài ra, mỗi lĩnh vực giám định lại có yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ khác nhau nên người giám định tư pháp cần nghiên cứu, tìm hiểu để nắm vững kiến thức pháp luật, nghiệp vụ và kỹ năng pháp lý chuyên ngành đối với lĩnh vực giám định mà mình thực hiện.
PHẦN THỨ NHẤT
QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
I. KHÁI NIỆM GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
1. Khái niệm
Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Giám định tư pháp năm 2012, sửa đổi, bổ sung theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020 (Luật Giám định tư pháp) thì: Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố[1], điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
2. Phân biệt hoạt động giám định tư pháp với hoạt động giám định khác
Hoạt động giám định tư pháp khác hoạt động giám định thông thường như giám định chất lượng hàng hóa, giám định chất lượng công trình xây dựng… do các hoạt động này thực hiện theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ hoạt động quản lý Nhà nước; trong khi đó hoạt động giám định tư pháp là hoạt động giám định theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp và pháp luật tố tụng.
Ví dụ, cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng nhận đơn khiếu nại của công dân đề nghị xem xét việc nhà hàng xóm tiến hành xây dựng đã làm lún, nứt nhà mình. Cơ quan nhận đơn khiếu nại của công dân có thể trưng cầu tổ chức có năng lực tiến hành giám định về nguyên nhân gây lún, nứt để có căn cứ giải quyết khiếu nại theo yêu cầu của người khiếu nại. Trường hợp này tổ chức được trưng cầu giám định tiến hành giám định để kết luận về nguyên nhân gây lún, nứt và trả kết quả giám định cho cơ quan quản lý nhà nước đã trưng cầu giám định, hoạt động giám định này không phải là giám định tư pháp.
II. VAI TRÒ CỦA HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP ĐỐI VỚI HOẠT ĐỘNG TỐ TỤNG
Vai trò của hoạt động giám định tư pháp đối với hoạt động tố tụng là sự đóng góp tích cực, thể hiện trong việc cung cấp nguồn chứng cứ khoa học, tin cậy giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong hoạt động chứng minh theo quy định của pháp luật tố tụng, góp phần quan trọng vào việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án được chính xác, khách quan và đúng pháp luật.
Tại Điều 15 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định rõ trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải áp dụng các biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, tình tiết tăng nặng và tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội. Điều 206 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bắt buộc phải trưng cầu giám định khi cần xác định:
Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án; Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; Nguyên nhân chết người; Tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; Chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ; Mức độ ô nhiễm môi trường.
Các quy định này thể hiện mục đích của tố tụng hình sự là bảo đảm phát hiện chính xác và xử lý công minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, phòng ngừa, ngăn chặn tội phạm, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội ; góp phần bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ Xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, giáo dục mọi người ý thức tuân theo pháp luật, đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm[2].
Tương tự như vậy, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Luật Tố tụng hành chính  2015 cũng có những quy định thể hiện trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính phải trưng cầu giám định trong trường hợp cần thiết hoặc theo yêu cầu của đương sự (Điều 79, Điều 102, Điều 103 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Điều 89, Điều 90 Luật Tố tụng hành chính 2015).
Như vậy, có thể nói hoạt động giám định tư pháp đóng vai trò quan trọng, góp phần giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết các vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính và các hoạt động tố tụng khác một cách chính xác, khách quan.
III. GIÁM ĐỊNH VIÊN TƯ PHÁP
Giám định viên tư pháp là người có đủtiêuchuẩn, được người có thẩm quyền bổ nhiệm là giám định viên tư pháptheo quy định của pháp luật.
1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật Giám định tư pháp thì công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có đủ các tiêu chuẩn sau đây có thể được xem xét, bổ nhiệm giám định viên tư pháp:
- Có đủ sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ 05 năm trở lên.
Người đã trực tiếp giúp việc trong hoạt động giám định ở tổ chức giám định pháp y, pháp y tâm thần, kỹ thuật hình sự thì thời gian hoạt động thực tế chuyên môn từ đủ 03 năm trở lên.
- Người muốn bổ nhiệm là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người muốn bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự phải có chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định theo hướng dẫn của Bộ Công an.
+ Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại điểm c khoản 1 Điều 2 Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15/01/2014 thì: Chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định do Viện Pháp y Quốc gia, Viện Pháp y tâm thần Trung ương hoặc cơ sở đào tạo có Bộ môn Pháp y, Bộ môn Tâm thần cấp cho người tham gia khóa đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định từ đủ 03 tháng trở lên theo chương trình đào tạo đã được Bộ Y tế phê duyệt (trừ trường hợp người có bằng hoặc chứng chỉ định hướng chuyên khoa trở lên về pháp y, pháp y tâm thần).
+ Theo hướng dẫn của Bộ Công an tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 5/8/2014 thì: Chứng chỉ đã qua đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định ở chuyên ngành thuộc lĩnh vực kỹ thuật hình sự do Viện Khoa học hình sự hoặc cơ quan Khoa  học hình sự ở nước ngoài được công nhận tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về giáo dục và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc gia nhập cấp.
2.Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp[3], hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm:
- Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị theo quy định của Luật Giám định tư pháp hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng đã bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc đối với trường hợp muốn thành lập Văn phòng giám định tư pháp[4].
- Bản sao bằng tốt nghiệp đại học trở lên phù hợp với lĩnh vực chuyên môn được đề nghị bổ nhiệm.
- Sơ yếu lý lịch và Phiếu lý lịch tư pháp (người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp) [5].
- Giấy xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môncủa cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc.
- Chứng chỉ đào tạo hoặc bồi dưỡng nghiệp vụ giám định đối với người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong lĩnh vực pháp y, pháp y tâm thần và kỹ thuật hình sự.
- Các giấy tờ khác chứng minh người được đề nghị bổ nhiệm đủ tiêu chuẩn theo quy định của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quản lý lĩnh vực giám định[6].
3. Thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Khoản 1 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[7] quy định về thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp cụ thể như sau:
- Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần hoạt động tại các cơ quan ở trung ương (kể cả giám định viên pháp y công tác trong lực lượng Công an nhân dân và Quân đội nhân dân).
- Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự hoạt động tại các cơ quan ở trung ương (kể cả giám định viên kỹ thuật hình sự công tác trong lực lượng Quân đội nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[8]).
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý tại các cơ quan ở trung ương.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
4. Trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Khoản 2 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[9] quy định về trình tự, thủ tục bổ nhiệm giám định viên tư pháp như sau:
- Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm giám định viên pháp y thuộc bộ mình.
- Bộ Quốc phòng, Viện kiểm sát nhân dân tối cao[10] có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc bộ, ngành mình.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.
Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp, đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp.
 Người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Tư pháp lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp, tiếp nhận hồ sơ của người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại Điều 8 của Luật Giám định tư pháp, đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối thì phải thông báo cho người đề nghị bằng văn bản và nêu rõ lý do.
5. Đăng tải danh sách giám định viên tư pháp
Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Luật Giám định tư pháp thì bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập, đăng tải danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung về giám định viên tư pháp.
6. Những người không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp
Khoản 2 Điều 7 Luật Giám định tư pháp quy định những trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm:
- Người mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xoá án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý.
- Người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc.
7. Thẻ giám định viên tư pháp[11]
7.1. Đối tượng cấp mới thẻ giám định viên tư pháp
Theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Luật Giám định tư pháp[12], Điều 5 Thông tư số 11/2020/TT-BTP ngày 31/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cấp mới, cấp lại thẻ giám định viên tư pháp (Thông tư số 11/2020/TT-BTP), có 02 đối tượng được cấp mới thẻ giám định viên tư pháp gồm: i) Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021; ii) Người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp trước ngày 01/01/2021[13] và không thuộc trường hợp miễn nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
7.2. Cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021
Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP quy định về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp từ ngày 01/01/2021 như sau:
- Người đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Luật Giám định tư pháp kèm theo 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 6 tháng gần nhất) để phục vụ việc cấp thẻ. Thời hạn ra quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp thực hiện theo quy định tại Điều 9 Luật Giám định tư pháp.
Quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp kèm theo hồ sơ được chuyển đến đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp.
- Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp, Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp giúp Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện cấp thẻ giám định viên tư pháp[14].
7.3. Cấp mới thẻ giám định viên tư pháp đối với trường hợp được bổ nhiệm giám định viên tư pháp trước ngày 01/01/2021
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì: Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan thuộc bộ, cơ quan ngang bộ rà soát, lập danh sách, hồ sơ trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp. Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát, lập danh sách, hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp. Hồ sơ đề nghị cấp mới thẻ giám định viên tư pháp gồm:
+ Tờ trình của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp hoặc Tờ trình của Sở Tư pháp về việc cấp thẻ giám định viên tư pháp;
+ Danh sách giám định viên tư pháp được đề nghị cấp thẻ;
+ 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất) của giám định viên tư pháp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị cấp thẻ.
Đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp tiếp nhận quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp và thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp ở bộ, ngành hoặc địa phương mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp[15].
7.4. Phôi thẻ giám định viên tư pháp
Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp; Giám đốc Sở Tư pháp căn cứ hướng dẫn tại Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP tổ chức in phôi thẻ để phục vụ việc cấp thẻ cho giám định viên tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý.
7.5. Cấp lại thẻ giám định viên tư pháp
- Theo quy định tại Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP thì có 03 trường hợp được cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, gồm:
+ Thẻ đã được cấp bị mất;
+ Thẻ đã được cấp bị hỏng không thể sử dụng được;
+ Có sự thay đổi thông tin đã được ghi trên thẻ.
- Hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp
+ Đơn đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Trường hợp thẻ bị mất hoặc có thay đổi nội dung ghi trên thẻ thì đơn đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp phải có xác nhận của cơ quan, đơn vị chủ quản. 
+ Thẻ giám định viên tư pháp đang sử dụng trong trường hợp có sự thay đổi thông tin đã được ghi trên thẻ; thẻ giám định viên tư pháp trong trường hợp thẻ cũ bị hỏng;
+ 02 ảnh màu chân dung cỡ 2cm x 3cm (chụp trong thời gian 06 tháng gần nhất) của người đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
- Thời hạn cấp lại thẻ giám định viên tư pháp
Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Giám đốc Sở Tư pháp tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp, có trách nhiệm trình Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp lại thẻ giám định viên tư pháp.
Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cấp lại thẻ giám định viên tư pháp theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp; trường hợp từ chối thì phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do (khoản 3 Điều 8 Thông tư số 11/2020/TT-BTP).
7.6. Số thẻ giám định viên tư pháp
Số thẻ  giám định viên tư pháp[16] bao gồm: Mã bộ, cơ quan ngang bộ, mã tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và 04 chữ số tiếp theo là số thứ tự của thẻ, được đánh liên tiếp từ số 0001 ghi bằng chữ số Ả Rập.
Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp bị mất, bị hỏng giữ nguyên số thẻ đã được cấp trước.
Thẻ giám định viên tư pháp cấp lại trong trường hợp thay đổi nội dung thông tin ghi trên thẻ được đánh số mới theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP.
8. Miễn nhiệm giám định viên tư pháp
8.1. Các trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp[17] thì các trường hợp sau đây bị miễn nhiệm giám định viên tư pháp:
- Không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp;
- Thuộc một trong các trường hợp không được bổ nhiệm giám định viên tư pháp quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp (mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đã bị kết án mà chưa được xóa án tích về tội phạm do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng do cố ý; đã bị kết án về tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý; đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường thị trấn, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc hoặc đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc);
- Bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên hoặc bị xử phạt vi phạm hành chính do cố ý vi phạm quy định của pháp luật về giám định tư pháp;
- Thực hiện một trong các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 6 của Luật Giám định tư pháp (từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng; cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng; lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi; tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp; xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật; can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp).
- Có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp có văn bản thể hiện nguyện vọng tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp và cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp có nhu cầu sử dụng phù hợp với quy định của pháp luật[18];
- Chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện phù hợp để tiếp tục thực hiện giám định tư pháp[19];
- Theo đề nghị của giám định viên tư pháp[20].
Trường hợp giám định viên tư pháp là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì phải được sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp.
- Giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm không thành lập Văn phòng hoặc sau thời hạn 01 năm, kể từ ngày có quyết định cho phép thành lập Văn phòng mà không đăng ký hoạt động[21].
8.2. Hồ sơ đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp
- Văn bản đề nghị miễn nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức quản lý giám định viên tư pháp hoặc đơn xin miễn nhiệm của giám định viên tư pháp;
- Văn bản, giấy tờ chứng minh giám định viên tư pháp thuộc một trong các trường hợp miễn nhiệm quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Giám định tư pháp.
8.3. Thẩm quyền miễn nhiệm giám định viên tư pháp
- Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần.
Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế miễn nhiệm giám định viên pháp y thuộc thẩm quyền quản lý.
- Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao[22] xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ miễn nhiệm giám định viên tư pháp hoạt động tại các cơ quan ở trung ương trong lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý theo đề nghị của Thủ trưởng đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được giao quản lý hoạt động giám định tư pháp.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương theo đề nghị của người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp sau khi thống nhất ý kiến với Giám đốc Sở Tư pháp.
8.4. Thời hạn xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định miễn nhiệm giám định viên tư pháp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp và điều chỉnh danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để điều chỉnh danh sách chung về giám định viên tư pháp trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
IV. NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP THEO VỤ VIỆC
1. Tiêu chuẩn người giám định tư pháp theo vụ việc
Theo quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp thì: Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam có sức khỏe, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ đại học trở lên và đã qua thực tế hoạt động chuyên môn ở lĩnh vực được đào tạo từ đủ 05 năm trở lên có thể được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc.
Trong trường hợp người không có trình độ đại học nhưng có kiến thức chuyên sâu và có nhiều kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực cần giám định thì có thể được lựa chọn làm người giám định tư pháp theo vụ việc.
2. Công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách, điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc
Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp[23], Điều 23 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013[24], sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ (sau đây gọi là Nghị định số 85/2013/NĐ-CP) việc công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách, điều chỉnh danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện như sau:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 Luật Giám định tư pháp ra quyết định công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; đăng tải danh sách người giám định tư pháp trên cổng thông tin của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi Bộ Tư pháp lập danh sách chung và đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp theo vụ việc không còn đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 của Luật Giám định tư pháp.
3. Quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp theo vụ việc
Người giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Người giám định tư pháp theo vụ việc có quyền và nghĩa vụ như giám định viên tư pháp, trừ quyền thành lập Văn phòng giám định tư pháp; thành lập, tham gia hội giám định viên tư pháp.
4. Thông tin đăng tải về người giám định tư pháp theo vụ việc (khoản 1 Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP), gồm:
+ Họ và tên;
+ Ngày, tháng, năm sinh;
+ Nơi công tác hoặc nơi cư trú;
+ Lĩnh vực chuyên môn;
+ Kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và hoạt động giám định tư pháp.
Trong trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến người giám định tư pháp theo vụ việc đã được công bố thì bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh danh sách.
Người giám định tư pháp theo vụ việc đã được lựa chọn, lập và công bố trước ngày 01/01/2021, nếu còn đủ tiêu chuẩn thì được công nhận là người giám định tư pháp theo vụ việc theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
V. TỔ CHỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
1. Tổ chức giám định tư pháp về pháp y
1.1. Viện pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế
- Viện pháp y quốc gia là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[25]:
+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
+ Xây dựng quy trình[26],  quy chuẩn giám định pháp y trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y đối với các tổ chức giám định pháp y trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế;
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;
+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Y tế;
+ Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y theo định kỳ hàng năm, đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Viện pháp y quốc gia có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
1.2. Trung tâm pháp y cấp tỉnh
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[27]:
+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;
+ Báo cáo Sở Y tế, Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y trên địa bàn tỉnh theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Trung tâm pháp y cấp tỉnh có Giám đốc, các Phó Giám đốc, do Giám đốc Sở Y tế bổ nhiệm. Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm giám đốc, các Phó giám đốc được thông báo cho Sở Tư pháp.
1.3. Viện pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng
- Viện pháp y quân đội có các chức năng, nhiệm vụ:[28]
+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;
+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y theo quy định của Bộ Quốc phòng;
+ Tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức hoạt động giám định pháp y trong quân đội theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện pháp y quốc gia;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
- Viện pháp y quân đội có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Viện trưởng, các Phó Viện trưởng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
1.4. Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
- Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an, có các chức năng, nhiệm vụ[29]:
+ Thực hiện giám định pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an có Giám đốc, các Phó Giám đốc. Giám đốc, các Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp. Việc bổ nhiệm Giám đốc, các Phó Giám đốc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
2. Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực tâm thần
2.1. Viện Pháp y tâm thần Trung ương thuộc Bộ Y tế
- Viện Pháp y tâm thần Trung ương là đơn vị sự nghiệp công lập, có chức năng, nhiệm vụ[30]:
+ Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp tại địa bàn 19 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công[31], gồm: Các thành phố Hà Nội, Hải Phòng; các tỉnh: Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn và tỉnh Hòa Bình);
+ Xây dựng quy chuẩn giám định pháp y tâm thần trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành;
+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ pháp y tâm thần;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ pháp y tâm thần đối với các tổ chức giám định pháp y tâm thần trong toàn quốc theo quy định của Bộ Y tế.
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;
+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế;
+ Tổng kết, báo cáo Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định pháp y tâm thần theo định kỳ hàng năm; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định pháp y tâm thần;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
2.2. Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa
Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Y tế, được thành lập theo Quyết định số 1836/QĐ-TTg ngày 29/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ.
- Viện Pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa có chức năng, nhiệm vụ[32]:
+ Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp tại địa bàn 10 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long.
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;
+ Quản lý, điều trị các đối tượng có rối loạn tâm thần theo quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh của các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
+ Kiểm tra hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ pháp y tâm thần cho các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ;
+ Phối hợp với Viện Pháp y tâm thần Trung ương xây dựng trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy chuẩn giám định pháp y tâm thần; chương trình bồi dưỡng nghiệp vụ về giám định pháp y tâm thần;
+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về pháp y tâm thần theo quy định của Bộ Y tế;
+ Thực hiện công tác báo cáo thống kê về tổ chức, hoạt động của các Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh và Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam bộ;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
- Lãnh đạo Viện Pháp y tâm thần Trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, do Bộ trưởng Bộ Y tế bổ nhiệm. Viện trưởng, các Phó Viện trưởng phụ trách chuyên môn về giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp.
2.3. Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực
Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế, có chức năng, nhiệm vụ:
- Thực hiện giám định pháp y tâm thần theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp theo địa bàn do Bộ Y tế phân công[33]:
+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Núi phía Bắc thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 9 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Phú Thọ, Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc.
+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Miền Trung thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 07 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 03 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và Long An.
+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 07 tỉnh được Bộ Y tế phân công gồm: Đắc Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hòa, Phú Yên và Lâm Đồng.
+ Trung tâm Pháp y tâm thần khu vực Tây Nam Bộ thực hiện giám định pháp y tâm thần tại địa bàn 08 tỉnh, thành phố được Bộ Y tế phân công gồm: Cần Thơ, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp và An Giang.
- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành pháp y tâm thần;
- Báo cáo Bộ Y tế về tổ chức, hoạt động giám định pháp y tâm thần, đồng thời gửi báo cáo về Viện Pháp y tâm thần Trung ương theo định kỳ hàng năm;
- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
2.4. Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương (Thành lập theo Quyết định số 2326/QĐ-BYT ngày 05/6/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
- Phân viện là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Viện Pháp y tâm thần Trung ương, chịu sự chỉ đạo, quản lý toàn diện của Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung có tư cách pháp nhân, có con dấu tài khoản riêng, có trụ sở làm việc tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Quy chế tổ chức và hoạt động của Phân Viện Pháp y tâm thần Bắc miền Trung do Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định ban hành theo đề nghị của Viện trưởng Viện Pháp y tâm thần Trung ương.
3. Tổ chức giám định tư pháp trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự
3.1. Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an
- Chức năng, nhiệm vụ của Viện Khoa học hình sự:
+ Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự và pháp y theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
+ Xây dựng quy chuẩn giám định kỹ thuật hình sự trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành;
+ Xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ kỹ thuật hình sự;
+ Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra nghiệp vụ kỹ thuật hình sự đối với các tổ chức giám định kỹ thuật hình sự trong toàn quốc theo quy định của Bộ Công an.
+ Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự và pháp y;
+ Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về kỹ thuật hình sự và pháp y theo quy định của Bộ Công an;
+ Tổng kết, báo cáo Bộ Công an, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự; tổng kết, báo cáo Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động pháp y trong ngành công an theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi Viện pháp y quốc gia; đề xuất các biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động giám định kỹ thuật hình sự và pháp y;
+ Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
- Viện Khoa học hình sự có các Phân viện được thành lập theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an.
3.2. Phòng Kỹ thuật hình sự thuộc Công an cấp tỉnh
Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Kỹ thuật hình sự:
- Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự;
- Báo cáo Công an tỉnh, Sở Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định kỹ thuật hình sự; báo cáo Công an tỉnh, Sở Y tế, Sở Tư pháp, Viện pháp y quốc gia về giám định pháp y tử thi theo định kỳ hàng năm; đồng thời gửi báo cáo về Viện Khoa học hình sự;
- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.
3.3. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng
Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Bộ Quốc phòng:
- Thực hiện giám định kỹ thuật hình sự theo quy định của pháp luật tố tụng và Luật Giám định tư pháp;
- Nghiên cứu khoa học về chuyên ngành kỹ thuật hình sự;
- Tổng kết, báo cáo Bộ Quốc phòng về tổ chức, hoạt động kỹ thuật hình sự theo định kỳ hàng năm, đồng thời gửi báo cáo về Viện Khoa học hình sự thuộc Bộ Công an;
- Các nhiệm vụ khác theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
3.4. Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao[34]
Thực hiện giám định giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử.
Cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Phòng Giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
4. Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập
Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập là Văn phòng giám định tư pháp, do giám định viên tư pháp thành lập, hoạt động giám định ở 06 lĩnh vực: tài chính, ngân hàng, xây dựng, cổ vật, di vật và bản quyền tác giả.
4.1.Điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp
Theo quy định tại Điều 15 Luật Giám định tư pháp thì giám định viên tư phápcó đủ các điều kiện sau đây được các điều kiện sau đây được thành lập Văn phòng giám định tư pháp:
- Có từ đủ 03 năm trở lên là giám định viên tư pháp trong lĩnh vực đề nghị thành lập Văn phòng[35];
- Có Đề án thành lập nêu rõ: mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện (điểm d khoản 2 Điều 16 Luật Giám định tư pháp).
Lưu ý: Cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan Công an nhân dân, quân nhân chuyênnghiệp, công nhân quốc phòng không được thành lập Văn phòng giám định tưpháp.
4.2. Hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp
Điều 16 Luật Giám định tư pháp quy định về hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp bao gồm:
- Đơn xin phép thành lập;
- Bản sao Quyết định bổ nhiệm giám định viên tư pháp;
- Dự thảo Quy chế tổ chức, hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;
- Đề án thành lập Văn phòng giám định tư pháp (Nêu rõ mục đích thành lập; dự kiến về tên gọi, nhân sự, địa điểm đặt trụ sở; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định theo quy định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định và kế hoạch triển khai thực hiện).
4.3. Trình tự, thủ tục cấp phép thành lập, đăng ký hoạt động
- Sở Tư pháp thẩm định hồ sơ, phối hợp, thống nhất ý kiến với người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cho phép thành lập VP GĐTP trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp trình hồ sơ. Trường hợp không cho phép thì phải thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do. Ngườì bị từ chối có quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định của pháp luật.
- Văn phòng giám định tư pháp phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp nơi đặt trụ sở trong thời hạn 01 năm kể từ ngày được cho phép thành lập. Văn phòng giám định tư pháp không đăng ký hoạt động trong thời hạn 01 năm, kể từ ngày cho phép thành lập thì Quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp hết hiệu lực. Văn phòng giám định tư pháp được hoạt động kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
 - Văn phòng giám định tư pháp do 01 giám định viên tư pháp thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
- Văn phòng giám định tư pháp do 02 giám định viên tư pháp trở lên thành lập thì được tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh.
Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng giám định tư pháp là Trưởng văn phòng. Trưởng văn phòng giám định tư pháp phải là giám định viên tư pháp (khoản 2 Điều 14 Luật Giám định tư pháp).
5. Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
5.1. Điều kiện công nhận là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
- Có tư cách pháp nhân;
- Có hoạt động chuyên môn phù hợp với nội dung được trưng cầu, yêu cầu giám định;
- Có điều kiện về cán bộ chuyên môn, cơ sở vật chất bảo đảm cho việc thực hiện giám định tư pháp.
5.2. Phạm vi thực hiện giám định của tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
- Tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp. Người đứng đầu tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận và phân công người thực hiện giám định tư pháp.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ thực hiện giám định tư pháp theo trưng cầu của người trưng cầu giám định.
5.3. Công nhận, hủy bỏ công nhận và đăng tải danh sách tổ chức giám giám định tư pháp theo vụ việc
Theo quy định tại Điều 20 Luật Giám định tư pháp[36], Điều 23 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp[37] thì:
- Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận tổ chức có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 19 Luật Giám định tư pháp là tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc và đăng tải danh sách trên cổng thông tin điện tử của mình, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung đăng tải trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp; ra quyết định hủy bỏ công nhận tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không còn có đủ điều kiện quy định tại Điều 19 của Luật Giám định tư pháp.
5.4. Thông tin đăng tải về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
Theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, thông tin đăng tải về tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc gồm:
- Tên tổ chức;
- Số, ngày, tháng, năm thành lập;
- Địa chỉ tổ chức;
- Lĩnh vực chuyên môn;
- Kinh nghiệm trong hoạt động chuyên môn và hoạt động giám định tư pháp.
Trong trường hợp có sự thay đổi về thông tin liên quan đến tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã được công bố thì bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm điều chỉnh danh sách và thông báo cho Bộ Tư pháp trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày điều chỉnh danh sách.
VI. TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Trưng cầu giám định là một trong các biện pháp thu thập chứng cứ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Việc trưng cầu giám định tư pháp thực hiện theo quy định của pháp luật tố tụng và pháp luật về giám định tư pháp.
1. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp
1.1. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp trong tố tụng hình sự[38]
- Thủ trưởng cơ quan điều tra hoặc Phó Thủ trưởng cơ quan điều tra khi được phân công tiến hành việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự; Viện trưởng Viện kiểm sát hoặc Phó Viện trưởng Viện kiểm sát khi được phân công thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tố tụng[39] và Thẩm phán chủ tọa phiên tòa[40].
- Cấp trưởng, cấp phó, cán bộ điều tra của các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cũng có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp[41] trong một số trường hợp phạm tội quả tang, vụ việc đơn giản...
1.2. Người có thẩm quyền trưng cầu giám định tư pháp trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Thẩm phán có thẩm quyền trưng cầu giám định theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết[42].
2. Quyết định trưng cầu giám định[43]
Người trưng cầu giám định quyết định trưng cầu giám định tư pháp bằng văn bản và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan (nếu có) cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra[44].
Trường hợp đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật có liên quan không thể gửi kèm theo quyết định trưng cầu giám định thì người trưng cầu giám định có trách nhiệm làm thủ tục bàn giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định.
2.1. Quyết định trưng cầu giám định phải có các nội dung sau đây:
- Tên cơ quan trưng cầu giám định; họ, tên người có thẩm quyền trưng cầu giám định;
- Tên tổ chức; họ, tên người được trưng cầu giám định;
- Tóm tắt nội dung sự việc;
- Tên và đặc điểm của đối tượng cần giám định;
- Tên tài liệu, đồ vật có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo (nếu có);
- Nội dung chuyên môn của vấn đề cần giám định;
- Ngày, tháng, năm trưng cầu giám định và thời hạn trả kết luận giám định tư pháp.
2.2. Trường hợp trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại thì quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ là trưng cầu giám định bổ sung hoặc trưng cầu giám định lại và lý do của việc giám định bổ sung hoặc giám định lại.
2.3. Trong trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trao đổi với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có).
2.4. Trường hợp nội dung cần giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức thì người trưng cầu giám định phải tách riêng từng nội dung để trưng cầu tổ chức có chuyên môn phù hợp thực hiện giám định.
Trường hợp các nội dung giám định liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn có quan hệ mật thiết với nhau, thuộc trách nhiệm của nhiều tổ chức mà việc tách riêng từng nội dung gây khó khăn cho việc thực hiện giám định, ảnh hưởng đến tính chính xác của kết quả giám định hoặc kéo dài thời gian giám định thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp trong việc thực hiện giám định.
Tổ chức chủ trì có trách nhiệm làm đầu mối tổ chức triển khai việc giám định chung và thực hiện giám định phần nội dung chuyên môn của mình.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu giám định, tổ chức được trưng cầu giám định tư pháp phải có văn bản cử người giám định gửi người trưng cầu giám định; đối với tổ chức phối hợp thực hiện giám định thì còn phải gửi văn bản cử người giám định cho tổ chức chủ trì việc thực hiện giám định. Tổ chức chủ trì phải tổ chức ngay việc giám định sau khi nhận được văn bản cử người của tổ chức phối hợp thực hiện giám định. Việc giám định trong trường hợp này được thực hiện theo hình thức giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật Giám định tư pháp.
Trường hợp phát sinh vướng mắc trong việc trưng cầu, phối hợp thực hiện giám định, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chủ trì, phối hợp với tổ chức được trưng cầu để giải quyết.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định trưng cầu giám định, cơ quan trưng cầu giám định phải giao hoặc gửi quyết định trưng cầu giám định, hồ sơ, đối tượng trưng cầu giám định cho tổ chức, cá nhân thực hiện giám định; gửi quyết định trưng cầu giám định cho Viện kiểm sát có thẩm quyền thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra
3. Quyền của người trưng cầu giám định[45]
- Trưng cầu giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp công lập theo, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc thực hiện giám định (khoản 4 Điều 2 của Luật Giám định tư pháp);
Trong trường hợp đặc biệt, người trưng cầu giám định có thể trưng cầu cá nhân, tổ chức chuyên môn có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật Giám định tư pháp không thuộc danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc đã công bố để thực hiện giám định nhưng phải nêu rõ lý do trong quyết định trưng cầu[46].
Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật Giám định tư pháp ngoài danh sách đã công bố để thực hiện giám định theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng[47] (đoạn 3 khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp).
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trả kết luận giám định đúng nội dung và thời hạn đã yêu cầu;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định.
4. Nghĩa vụ của người trưng cầu giám định[48]
- Xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; lựa chọn cá nhân, tổ chức có năng lực, đủ điều kiện thực hiện giám định phù hợp với tính chất, nội dung cần giám định để ra quyết định trưng cầu giám định;
- Ra quyết định trưng cầu giám định bằng văn bản;
- Cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp;
- Tạm ứng, thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp;
- Thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người giám định tư pháp hoặc người thân thích của người giám định tư pháp bị đe dọa do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp.
VII. YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Yêu cầu giám định là việc người có quyền theo quy định của pháp luật (Người yêu cầu giám định) tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định mà không được chấp nhận.
Người có quyền tự mình yêu cầu giám định bao gồm: đương sự trong vụ việc dân sự, vụ án hành chính, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự hoặc người đại diện hợp pháp của họ, trừ trường hợp việc yêu cầu giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo[49].
1. Quyền của người yêu cầu giám định tư pháp[50]
- Đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định những vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trừ trường hợp việc giám định liên quan đến việc xác định trách nhiệm hình sự của người bị buộc tội.
Trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải xem xét, ra quyết định trưng cầu giám định. Trường hợp không chấp nhận đề nghị thì thông báo cho người đã đề nghị giám định biết bằng văn bản và nêu rõ lý do. Hết thời hạn này hoặc kể từ ngày nhận được thông báo từ chối trưng cầu giám định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì người đề nghị giám định có quyền tự mình yêu cầu giám định.
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp trả kết luận giám định đúng thời hạn đã thỏa thuận và theo nội dung đã yêu cầu;
- Yêu cầu cá nhân, tổ chức đã thực hiện giám định tư pháp giải thích kết luận giám định;
- Đề nghị Tòa án triệu tập người giám định tư pháp đã thực hiện giám định tham gia phiên tòa để giải thích, trình bày về kết luận giám định;
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định lại; yêu cầu giám định bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 29 của Luật Giám định tư pháp[51].
2. Nghĩa vụ của người yêu cầu giám định tư pháp[52]
- Cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan đến đối tượng giám định theo yêu cầu của người giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu do mình cung cấp;
- Nộp tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi yêu cầu giám định; thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định khi nhận kết luận giám định.
Người yêu cầu giám định chỉ được thực hiện quyền tự yêu cầu giám định trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm.
VIII. QUYỀN CỦA NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP KHI THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP[53]
1. Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung yêu cầu giám định.
Phương pháp là tổng hợp các cách thức để một người tiến hành thực hiện một công việc cụ thể. Phương pháp thực hiện giám định do người giám định lựa chọn, có thể có phương pháp chung khi thực hiện giám định, có thể có phương pháp riêng phù hợp với từng lĩnh vực giám định. Khi thực hiện giám định một vụ việc cụ thể, người giám định tư pháp căn cứ nội dung vụ việc, đối tượng giám định, các nội dung cần giám định và các hướng dẫn của Bộ, ngành về quy chuẩn chuyên môn để xác định, lựa chọn phương pháp tiến hành giám định phù hợp thực hiện giám định đảm bảo kết quả giám định được chính xác.
2. Sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện nhằm phục vụ cho việc giám định
Thông thường mỗi nội dung giám định cần có nhiều nguồn thông tin liên quan mà mỗi người giám định không thể tự thực hiện, trong trường hợp này người giám định cần yêu cầu tổ chức, cá nhân khác có chuyên môn, có trang thiết bị phù hợp thực hiện một số thực nghiệm, xét nghiệm hoặc kết luận về một số chuyên môn liên quan để người giám định có thêm căn cứ cần thiết phục vụ việc xây dựng kết luận giám định của mình.
Ví dụ, trong một vụ giám định pháp y thương tích, hay giám định pháp y tâm thần, người giám định có thể yêu cầu đơn vị chuyên khoa thực hiện chụp (Xquang) một số bộ phận cơ thể và kết luận về tình trạng tổn thương các bộ phận đó để người giám định tổng hợp kết luận về tình trạng sức khỏe, mức độ tổn thương cơ thể của người được giám định; trong giám định về tài chính, thuế, người giám định có thể sử dụng kết luận thanh tra do đơn vị thanh tra trước đó đã kết luận một số vấn đề liên quan để kết luận giám định.
3. Độc lập đưa ra kết luận giám định
Độc lập đưa ra kết luận giám định là tự mình bằng tư duy khoa học, kiến thức chuyên môn của mình, tham khảo các kết quả nghiên cứu, các tài liệu liên quan, người giám định đưa ra kết luận của mình mà không lệ thuộc ý chí chủ quan của người khác, kể cả trong trường hợp sử dụng tài liệu, kết luận của đơn vị chuyên môn liên quan.
4. Đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật khi có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của bản thân hoặc người thân thích do việc thực hiện giám định tư pháp, tham gia vụ án, vụ việc với tư cách là người giám định tư pháp[54].
5. Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình[55].
6. Được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa[56].
7. Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định[57]
8. Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận[58].
9. Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định[59].
10. Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định viên tiến hành[60].
Theo quy định tại Điều 28 Luật Giám định tư pháp thì “giám định tập thể là việc giám định do 02 người trở lên thực hiện”. Giám định tập thể gồm: Giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn và giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau.
Trong trường hợp một nội dung giám định có từ 02 người giám định trở lên thực hiện, thì những người giám định ký vào bản kết luận giám định chung; nếu người giám định có ý kiến khác với những ý kiến của những người giám định khác, người đó có quyền ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm với ý kiến đó (khoản 3 Điều 28 Luật Giám định tư pháp).
IX. NGHĨA VỤ CỦA NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP KHI THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP[61]
1. Tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp
Nguyên tắc giám định tư pháp có tính chất soi sáng, định hướng xuyên suốt quá trình thực hiện giám định. Người giám định tư pháp phải quán triệt, tuân thủ triệt để 04 nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp quy định tại Điều 3 Luật Giám định tư pháp, gồm: i) Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định; ii) Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời; iii) Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu; iv) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định.
Việc tuân thủ các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là tiền đề quan trọng đảm bảo kết luận giám định tư pháp được kịp thời, chính xác, khách quan, đúng pháp luật.
2. Thực hiện giám định theo đúng nội dung yêu cầu giám định
Nội dung yêu cầu giám định là những vấn đề cần chứng minh trong vụ án, vụ việc được cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định thể hiện tại văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp. Việc thực hiện theo đúng nội dung yêu cầu giám định tư pháp là đảm bảo thực hiện chính xác, đầy đủ các nội dung cần giám định, tránh trường hợp giám định nội dung không được yêu cầu hay bỏ sót nội dung được yêu cầu. Người giám định tư pháp cần nghiên cứu cẩn trọng những nội dung yêu cầu giám định của văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định. Trong trường hợp cần thiết phải trao đổi, thảo luận với người trưng cầu, yêu cầu giám định để nắm bắt đầy đủ, chính xác nội dung yêu cầu giám định.
3. Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết
Thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu là khoảng thời gian từ khi tiếp nhận trưng cầu giám định đến khi trả kết luận giám định. Thời hạn giám định thể hiện dưới 02 hình thức: thời hạn giám định do pháp luật quy định và thời hạn giám định do người trưng cầu, yêu cầu giám định ấn định trong văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định.
4. Lập hồ sơ giám định.
Hồ sơ giám định do người giám định tư pháp lập theo mẫu thống nhất do bộ, cơ quan ngang bộ hướng dẫn phù hợp với từng lĩnh vực giám định. Hồ sơ giám định tư pháp gồm đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 33 Luật Giám định tư pháp và được xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
5. Bảo quản mẫu vật giám định, tài liệu liên quan đến vụ việc giám định.
6. Không được thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ trường hợp được người đã trưng cầu, yêu cầu giám định đồng ý bằng văn bản.
7. Chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định do mình đưa ra. Trường hợp cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì còn phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
8. Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng[62].
Quan hệ của người giám định tư pháp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã trưng cầu giám định không chỉ diễn ra trong thời gian thực hiện giám định, trong trường hợp cần thiết khi đánh giá, sử dụng kết luận giám định cơ quan tiến có thẩm quyền hành tố tụng có thể triệu tập người giám định tư pháp để làm rõ nội dung kết luận giám định hoặc khi xét xử, Hội đồng xét xử thấy cần thiết triệu tập người giám định tư pháp tham gia phiên tòa để bổ sung hoặc giải thích kết luận giám định thì có thể triệu tập người giám định tư pháp đến phiên tòa. Trong các trường hợp nêu trên, khi được triệu tập, người giám định tư pháp có trách nhiệm chấp hành việc triệu tập đó và có mặt theo đúng thời gian được ghi trong giấy triệu tập.
9. Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định
Bí mật điều tra là nội dung các sự kiện, tài liệu thể hiện những thông tin liên quan trong vụ án hình sự do cơ quan điều tra có thẩm quyền xác lập, thu thập được phục vụ hoạt động chứng minh, giải quyết vụ việc (hồ sơ tố tụng). Khi thực hiện giám định, người giám định tư pháp được tiếp xúc với hồ sơ tố tụng để tìm hiểu những thông tin liên quan. Tuy nhiên, người giám định tư pháp chỉ được sử dụng những thông tin đó phục vụ việc giám định, kết luận giám định mà không được tiết lộ những thông tin đó cho người khác.
10. Phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp: đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo; đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó; đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó (khoản 5 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Theo hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại Nghị quyết số 01/2005/NQ-HĐTP ngày 31/3/2005 thì thuật ngữ “thân thích” được hiểu là: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi; ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, dì ruột; cháu ruột của đương sự.
11. Người giám định kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự (khoản 4 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
1. Yêu cầu người trưng cầu, người yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.
2. Từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; đối tượng giám định, tài liệu liên quan được cung cấp không đầy đủ hoặc không có giá trị để kết luận giám định tư pháp sau khi đã đề nghị người trưng cầu, người yêu cầu giám định bổ sung, làm rõ nhưng không được đáp ứng; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm.
3. Được nhận tạm ứng chi phí giám định tư pháp khi nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp; được thanh toán kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp khi trả kết quả giám định.
XI. NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC ĐƯỢC TRƯNG CẦU, YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP[64]
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định, chịu trách nhiệm về năng lực chuyên môn của người đó và thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn.
Người đứng đầu tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định, trường hợp cần có từ 02 người trở lên thực hiện vụ việc giám định thì phải phân công người chịu trách nhiệm điều phối việc thực hiện giám định;
2. Bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định
Trong quá trình thực hiện giám định, nếu có nội dung mới hoặc vấn đề khác phát sinh thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải thông báo ngay bằng văn bản cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định biết để thống nhất phương án giải quyết;
3. Bồi thường thiệt hại trong trường hợp người thực hiện giám định do mình phân công cố ý kết luận giám định sai, gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức.
4. Trường hợp từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp thì phải thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định trưng cầu, yêu cầu giám định, trừ trường hợp pháp luật quy định thời hạn ngắn hơn.
5. Chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp do mình đưa ra.
XII. THỜI HẠN GIÁM ĐỊNH TRONG TRƯỜNG HỢP TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH [65]
Thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định.
Trong quá trình thực hiện giám định, trường hợp cần phải bổ sung thêm hồ sơ, tài liệu làm cơ sở cho việc giám định thì cá nhân, tổ chức được trưng cầu có văn bản đề nghị người đã trưng cầu giám định bổ sung hồ sơ, tài liệu. Thời gian từ khi cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định có văn bản đề nghị đến khi nhận được hồ sơ, tài liệu bổ sung không tính vào thời hạn giám định.
1. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định tư pháp
Điều 208Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã quy định về thời hạn giám định đối với một số trường hợp giám định cụ thể như sau:
- Không quá 03 tháng đối với trường hợp giám định về: Tình trạng tâm thần của người bị buộc tội khi có sự nghi ngờ về năng lực trách nhiệm hình sự của họ; tình trạng tâm thần của người làm chứng hoặc bị hại khi có sự nghi ngờ về khả năng nhận thức, khả năng khai báo đúng đắn về những tình tiết của vụ án[66].
- Không quá 01 tháng đối với trường hợp giám định về: nguyên nhân chết người; mức độ ô nhiễm môi trường [67].
- Không quá 09 ngày đối với trường hợp giám định về: Tuổi của bị can, bị cáo, bị hại nếu việc đó có ý nghĩa đối với việc giải quyết vụ án và không có tài liệu để xác định chính xác tuổi của họ hoặc có nghi ngờ về tính xác thực của những tài liệu đó; tính chất thương tích, mức độ tổn hại sức khoẻ hoặc khả năng lao động; chất ma tuý, vũ khí quân dụng, vật liệu nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, tiền giả, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ [68].
2. Thời hạn giám định tư pháp đối với các trường hợp không thuộc các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định
Theo quy định của Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp[69] thì: Thời hạn giám định tối đa là 03 tháng. Trường hợp vụ việc giám định có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng.
Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp căn cứ vào thời hạn giám định tối đa và tính chất chuyên môn của lĩnh vực giám định quy định thời hạn giám định tư pháp cho từng loại việc cụ thể. Thời hạn giám định tư pháp có thể được gia hạn theo quyết định của cơ quan trưng cầu giám định nhưng không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.
3. Người trưng cầu giám định có thể thống nhất về thời hạn giám định với cá nhân, tổ chức được trưng cầu giám định trước khi trưng cầu giám định tư pháp nhưng không được vượt quá thời hạn quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 26a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
4. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cá nhân, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho người trưng cầu giám định và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.
XIII. NGUYÊN TẮC THỰC HIỆN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP[70]
Nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp là những quy tắc chung được quy định trong Luật Giám định tư pháp (Điều 3), là những định hướng, chỉ đạo xuyên suốt quá trình thực hiện giám định mà người thực hiện giám định phải tuân theo.
Việc quy định các nguyên tắc thực hiện giám định tư pháp thể hiện yêu cầu trách nhiệm cao đối với người giám định trước pháp luật trong việc cung cấp nguồn chứng cứ khoa học cho hoạt động tố tụng.
1. Tuân thủ pháp luật, tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định[71]
1.1. Tuân thủ pháp luật
Quy định này yêu cầu người giám định tư pháp thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình đã được pháp luật quy định trong suốt quá trình từ giai đoạn tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định, thực hiện giám định, xây dựng bản kết luận giám định đến việc trả kết luận giám định và những hoạt động liên quan khác.
1.2. Tuân theo quy chuẩn chuyên môn và quy trình giám định
Quy chuẩn chuyên môn là tổng hợp của quy trình và tiêu chuẩn khoa học được cơ quan có thẩm quyền ban hành theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật, là căn cứ pháp lý để người giám định tư pháp thực hiện và kết luận giám định. Mỗi lĩnh vực giám định có quy chuẩn chuyên môn riêng, do cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng. Tuân theo quy chuẩn chuyên môn là yêu cầu đối với người thực hiện giám định tư pháp phải thực hiện đầy đủ, chính xác về trình tự, thủ tục thực hiện giám định cũng như việc áp dụng tiêu chuẩn khi kết luận giám định.
Ví dụ:
- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31/12/2013 ban hành: 54 quy trình giám định pháp y, 29 quy trình giám định hóa pháp và 10 quy trình giám định AND.
- Bộ trưởng Bộ Y tế đã có Thông tư số 23/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019 ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần (thay thế Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14/7/2015); Thông tư số 22/2019/TT-BYT ngày 28/8/2019  của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định  tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (thay thế Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014).
- Bộ trưởng Bộ Công an đã có Thông tư số 33/2021/TT-BCA ngày 29/3/2021 ban hành 34 quy trình giám định kỹ thuật hình sự và Thông tư số 01/2021 ngày 01/01/2022  ban hành 17 quy trình giám định kỹ thuật hình sự (02 Thông tư này thay thế 03 Thông tư: Thông tư số 52/2011/TT-BCA ngày 20/7/2011, Thông tư số 46/2013/TT-BCA ngày 5/11/2013 và Thông tư số 51/2015/TT-BCA ngày 13/10/2015).
Quy chuẩn chuyên môn ở các lĩnh vực giám định khác (tài chính, ngân hàng, tiền tệ…), do đặc thù việc giám định tư pháp chủ yếu dựa trên tiêu chuẩn kinh tế - kỹ thuật hoặc văn bản pháp luật có hiệu lực tại thời điểm xảy ra sự việc nên không nhất thiết ban hành quy chuẩn chuyên môn riêng cho hoạt  động giám định. Vì vậy, Luật Giám định tư pháp (điểm b khoản 1 Điều 41) có quy định “tùy nghi” để cơ quan có thẩm quyền (Bộ, ngành chủ quản) có thể hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn “kinh tế - kỹ thuật”, “chuẩn mực”… sẵn có phù hợp với đặc thù của lĩnh vực để áp dụng khi thực hiện giám định.
Ví dụ:
- Điều 11 Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 9/10/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp quy định việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định trong lĩnh vực tài chính, cụ thể như sau:
+ Quy chuẩn chuyên môn được áp dụng cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực tài chính là các chuẩn mực về kế toán, kiểm toán; tiêu chuẩn về thẩm định giá, quy chế tính giá và các chuẩn mực, tiêu chuẩn khác được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực tài chính.
+ Đối với lĩnh vực không có quy chuẩn thì việc giám định được căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật quy định về lĩnh vực cần giám định.
+ Việc giám định trong lĩnh vực tài chính phải căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực thi hành vào thời điểm xảy ra vụ việc.
- Tương tự như vậy, các bộ, ngành khác đều có quy định việc áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý tại Thông tư hướng dẫn Luật Giám định tư pháp của Bộ, ngành đó [72].
2. Trung thực, chính xác, khách quan, vô tư, kịp thời
2.1. Trung thực
Trung thực trong thực hiện giám định tư pháp là yêu cầu quan trọng đòi hỏi người giám định tư pháp chỉ căn cứ những tình tiết, nội dung tài liệu có thật để tiến hành thực hiện giám định, không tự suy diễn theo ý chí chủ quan của mình khi áp dụng quy định pháp luật.
2.2. Khách quan, vô tư
Khách quan là những sự vật, hiện tượng tồn tại ngoài ý chỉ chủ quan của con người, trong giám định tư pháp thể hiện từ việc tìm hiểu nội dung cần giám định, thu thập dấu vết, tài liệu… phục vụ việc thực hiện giám định.
Vô tư là yêu cầu người giám định tư pháp không vì muốn hay không muốn một chi tiết, nội dung cụ thể nào đó mà chi phối đến suy nghĩ trong hoạt động chuyên môn, thể hiện sự “độc lập” không bị chi phối bởi những yếu tố lợi ích vật chất, phi vật chất trong hoạt động giám định.
2.3. Chính xác, kịp thời
Chính xác là yêu cầu rất cơ bản trong hoạt động giám định tư pháp, đòi hỏi sự tỉ mỉ trong tiếp nhận nội dung giám định, thu thập, nghiên cứu tài liệu, đánh giá tổng hợp một cách khoa học của người giám định tư pháp.
Kịp thời thể hiện ở 02 khía cạnh, một mặt cần tiến hành giám định ngay khi tiếp nhận hoặc được phân công giám định, tránh sự biến đổi tự nhiên của đối tượng giám định (trong giám định pháp y thương tích, một số chuyên ngành trong giám định kỹ thuật hình sự…); mặt khác, thể hiện việc kết luận, trả kết luận giám định theo đúng thời hạn mà pháp luật quy định hoặc thời hạn thỏa thuận với người yêu cầu giám định.
3. Chỉ kết luận về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu
Đối với người giám định, để phân biệt một cách rõ ràng “phạm vi chuyên môn được yêu cầu” đối với một vụ việc giám định cụ thể là khá phức tạp, trong nhiều trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định có sự “đan xen” đòi hỏi người giám định nắm rõ nội dung cần giám định, từ đó xem xét để áp dụng chính xác yêu cầu của nguyên tắc này đối với lĩnh vực giám định mà mình thực hiện. Ngoài ra, nguyên tắc này đòi hỏi sự phối hợp tuân thủ của cả người trưng cầu giám định và người thực hiện giám định.
Trước hết, người trưng cầu phải quán triệt sự cần thiết phải trưng cầu giám định theo quy định của pháp luật, xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên môn cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết để xác định cá nhân, tổ chức giám định phù hợp để trưng cầu giám định, không yêu cầu giám định ngoài phạm vi chuyên môn giám định cũng như những vấn đề về pháp lý.
Ví dụ: yêu cầu xác định công ty X có vi phạm pháp luật về thuế và có phạm tội trốn thuế tại thời điểm đó không? hay yêu cầu xác định người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi Z không...
Trong trường hợp xác định quyết định trưng cầu giám định có nội dung yêu cầu giám định không thuộc phạm vi chuyên môn của tổ chức giám định, người giám định thì tổ chức giám định, người giám định có văn bản thông báo kịp thời cho cơ quan trưng cầu, người trưng cầu giám định biết để cơ quan trưng cầu thực hiện việc trưng cầu đối với tổ chức, cá nhân khác thực hiện giám định.
4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp thì: “kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định...”. Kết luận giám định là nguồn chứng cứ khoa học, quan trọng có ảnh hưởng đến quyết định của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính và vụ việc dân sự. Vì vậy, quy định nguyên tắc bắt buộc người giám định tư pháp chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận giám định là cần thiết, bảo đảm tính minh bạch cũng như tăng cường hiệu quả của hoạt động giám định tư pháp, đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng và nhu cầu của cá nhân, tổ chức trong quan hệ kinh tế, dân sự...
XIV. CÁC HÀNH VI BỊ NGHIÊM CẤM [73]
1. Từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
Kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ quan trọng giúp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giải quyết vụ án, vụ việc được chính xác, khách quan, nhất là các vụ án việc trưng cầu giám định là bắt buộc theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 hoặc vụ án mà kết luận giám định là căn cứ duy nhất để chứng minh tội phạm. Trong giải quyết một vụ án, khi cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã có quyết định trưng cầu giám định thì bắt buộc trong tài liệu hồ sơ phải có kết luận giám định tư pháp. Để đảm bảo không xảy ra tình trạng thiếu kết luận giám định gây ách tắc trong giải quyết vụ án. Luật Giám định tư pháp có quy định cấm người giám định tư pháp từ chối đưa ra kết luận giám định tư pháp mà không có lý do chính đáng.
2. Cố ý đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
Cố ý là việc một người mặc dù biết rõ việc làm là vi phạm pháp luật, gây hậu quả xấu nhưng cố tình thực hiện bất chấp hậu quả xảy ra. Kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học, có tính khách quan đáng tin cậy để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng sử dụng trong việc giải quyết vụ án, vụ việc chính xác, đúng pháp luật.
Hành vi cố ý đưa ra kết luận giám định sai sự thật sẽ dẫn đến hậu quả làm sai lệch kết quả hoạt động tố tụng, bất luận với động cơ, mục đích gì đều làm phương hại đến uy tín, danh dự, nhân phẩm của cá nhân, tổ chức liên quan.
3. Cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định tư pháp hoặc lợi dụng việc trưng cầu, yêu cầu giám định để gây khó khăn, cản trở hoạt động tố tụng.
Thời hạn giám định là khoảng thời gian cần thiết để hoàn thành việc giám định. Thời hạn giám định do pháp luật quy định hoặc được ghi trong quyết định trưng cầu giám định, trong trường hợp đương sự yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật thì thời hạn do người giám định và người yêu cầu giám định thỏa thuận.
Luật Giám định tư pháp quy định nghĩa vụ của người giám định tư pháp là: thực hiện và trả kết luận giám định đúng thời hạn yêu cầu; trong trường hợp cần thiết phải có thêm thời gian để thực hiện giám định thì phải thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định biết” (điểm c khoản 2 Điều 23 Luật Giám định tư pháp). Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 một mặt quy định cụ thể về thời hạn giám định đối với các trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định (khoản 1 Điều 208); mặt khác cũng ghi nhận “Thời hạn giám định đối với các trường hợp khác thực hiện theo quyết định trưng cầu giám định” (khoản 2 Điều 208); đồng thời khoản 3 Điều 208 cũng quy định “Trường hợp việc giám định không thể tiến hành trong thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì tổ chức, cá nhân tiến hành giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan trưng cầu, người yêu cầu giám định”. Hành vi cố ý kéo dài thời gian thực hiện giám định là việc cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp cố tình nại ra những lý do không chính đáng để trì hoãn việc trả kết luận giám định gây khó khăn cho cá nhân, tổ chức, cản trở hoạt động tố tụng.
4. Lợi dụng việc thực hiện giám định tư pháp để trục lợi.
Trong quá trình thực hiện giám định tư pháp, do yêu cầu công tác, người giám định có nhiều quan hệ, tiếp xúc với nhiều đối tượng khác nhau, tiếp cận nhiều kênh thông tin khác nhau phục vụ hoạt động giám định. Quy định này nhằm ngăn chặn người giám định lợi dụng các mối quan hệ với người tiến hành tố tụng, những người liên quan khác hoặc sử dụng thông tin, tài liệu được tiếp xúc trong quá trình thực hiện giám định để thực hiện hành vi gian dối đối với những cá nhân, tổ chức liên quan nhằm hưởng lợi bất chính.
5. Tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết được khi tiến hành giám định tư pháp.
Để thực hiện giám định, người giám định phải xem xét, đánh giá trực tiếp đối tượng cần giám định, sử dụng các thông tin của tài liệu liên quan trong hồ sơ trưng cầu, yêu cầu giám định do người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp hoặc các kết luận chuyên môn có liên quan của cá nhân, tổ chức khác. Người giám định chỉ được sử dụng những thông tin này phục vụ hoạt động giám định của mình mà không thể tiết lộ dù bất cứ lý do nào.
6. Xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật.
Xúi giục là việc một người có hành vi tác động để người giám định tư pháp đưa ra kết luận không đúng sự thật.
Ép buộc là việc một người dùng lợi ích vật chất, phi vật chất… làm cho người giám định tư pháp lệ thuộc ý chí của mình, từ đó yêu cầu người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp không đúng sự thật.  
Người giám định tư pháp có quyền“độc lập khi đưa ra kết luận giám định” (điểm c khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp). Vì vậy, pháp luật nghiêm cấm hành vi xúi giục, ép buộc người giám định tư pháp đưa ra kết luận giám định tư pháp sai sự thật, đây cũng là một trong các “công cụ”, đảm bảo kết luận giám định được đưa ra một cách khách quan.
7. Can thiệp, cản trở việc thực hiện giám định của người giám định tư pháp.
Người thực hiện giám định có nghĩa vụ tuân thủ trình tự, thủ tục, phương pháp  thực hiện giám định và áp dụng quy chuẩn chuyên môn theo quy định của pháp luật.
Can thiệp, cản trở là việc một người lợi dụng ảnh hưởng của mình hoặc dùng thủ đoạn khác để yêu cầu người giám định làm theo ý chí chủ quan của mình hoặc có hành vi khác gây khó khăn cho người giám định tư pháp, làm cho người giám định tư pháp không thể thực hiện đầy đủ quyền của mình trong quá trình thực hiện giám định tư pháp.
XV. CÁC HÌNH THỨC GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Theo quy định của Luật Giám định tư pháp thì hình thức giám định tư pháp bao gồm: i) giám định cá nhân; ii) giám định tập thể (bao gồm cả giám định hội đồng); iii) giám định lần đầu, giám định lại và giám định bổ sung.
1. Giám định cá nhân
Giám định cá nhân là việc giám định do 01 người thực hiện.
Trong trường hợp giám định cá nhân thì người giám định thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm cá nhân về kết luận giám định đó.
2. Giám định tập thể
Giám định tập thể là giám định do 02 người trở lên thực hiện, giám định tập thể có 02 hình thức thể hiện là: giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau và giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn.
Trong trường hợp giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng thực hiện việc giám định, ký vào bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó; nếu có ý kiến khác thì giám định viên ghi ý kiến của mình vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về ý kiến đó.
Trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm cá nhân về phần kết luận giám định đó.
3. Giám định lần đầu
Luật Giám định tư pháp không có khái niệm cụ thể về giám định lần đầu, tuy nhiên, thực tiễn có thể hiểu giám định lần đầu là đối với 01 nội dung giám định trong  vụ việc cụ thể mà lần đầu tiên được trưng cầu, yêu cầu giám định và cá nhân, tổ chức được trưng cầu/yêu cầu giám định đã có kết luận giám định đối với nội dung được trưng cầu/yêu cầu.
4. Giám định bổ sung
Việc giám định bổ sung được thực hiện trong trường hợp nội dung kết luận giám định chưa rõ, chưa đầy đủ hoặc khi phát sinh vấn đề mới liên quan đến tình tiết của vụ án, vụ việc đã được kết luận giám định trước đó. Việc trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung được thực hiện như giám định lần đầu. Quyết định trưng cầu giám định bổ sung/văn bản yêu cầu giám định bổ sung phải ghi rõ trưng cầu/yêu cầu giám định bổ sung và lý do việc trưng cầu/yêu cầu giám định bổ sung (khoản 3 Điều 25 Luật Giám định tư pháp, khoản 3 Điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
Việc giám định bổ sung có thể do tổ chức cá nhân đã giám định hoặc do tổ chức, cá nhân khác thực hiện (khoản 2 Điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
5. Giám định lại
Việc giám định lại được thực hiện trong trường hợp có căn cứ/nghi ngờ[74] cho rằng kết luận giám định lần đầu không chính xác hoặc trong trường hợp đặc biệt do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật Giám định tư pháp.
Người trưng cầu giám định tự mình hoặc theo đề nghị của người yêu cầu giám định quyết định việc trưng cầu giám định lại. Trường hợp người trưng cầu giám định không chấp nhận yêu cầu giám định lại thì phải thông báo cho người yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quyết định trưng cầu giám định lại/văn bản yêu cầu giám định lại phải ghi rõ trưng cầu/yêu cầu giám định lại và lý do việc trưng cầu/yêu cầu giám định lại.
6. Hội đồng giám định
- Hội đồng giám định do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộquản lý về lĩnh vực cần giám định quyết định thành lập để thực hiện giám định lại trong 02 trường hợp:
+ Hội đồng giám định lại (lần thứ hai) trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định lần đầu và kết luận giám định lại về cùng một nội dung giám định theo yêu cầu của người trưng cầu giám định.
+ Hội đồng giám định lại trong trường hợp đặc biệt theo quyết định việc giám định lại của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao hoặc Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định (theo quy định của khoản 2 Điều 30 Luật Giám định tư pháp).  
- Hội đồng giám định gồm có ít nhất 03 thành viên là những người có chuyên môn cao và có uy tín trong lĩnh vực cần giám định. Những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Hội đồng giám định hoạt động theo cơ chế giám định tập thể.
XVI. KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP; VIỆC ĐÁNH GIÁ, SỬ DỤNG KẾT LUẬN GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
1. Kết luận giám định tư pháp
Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật Giám định tư pháp[75], Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự  2015  thì: Kết luận giám định tư pháp là nhận xét, đánh giá bằng văn bản của người giám định tư pháp về đối tượng giám định theo nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định.Cơ quan, tổ chức, cá nhân kết luận về vấn đề được trưng cầu, yêu cầu giám định và phải chịu trách nhiệm về kết luận đó.
Kết luận giám định tư pháp phải có các nội dung sau đây:
- Họ, tên người thực hiện giám định; tổ chức thực hiện giám định;
- Tên cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng; họ, tên người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu giám định tư pháp; số văn bản trưng cầu giám định hoặc họ, tên người yêu cầu giám định;
- Thông tin xác định đối tượng giám định;
- Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;       
- Nội dung yêu cầu giám định;
- Phương pháp thực hiện giám định;
- Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp;
- Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.
2. Việc ký kết luận giám định tư pháp
Theo quy định tại Điều 28, khoản 2 Điều 32 Luật Giám định tư pháp[76], khoản 2 Điều 100 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì việc ký Kết luận giám định tư pháp thực hiện cụ thể như sau:
- Trường hợp trưng cầu, yêu cầu cá nhân thực hiện giám định tư pháp thì bản kết luận giám định tư pháp phải có chữ ký và ghi rõ họ, tên của người thực hiện giám định tư pháp.
- Trường hợp yêu cầu tổ chức cử người giám định thì bản kết luận giám định tư pháp phải có đầy đủ chữ ký, ghi rõ họ, tên của người giám định tư pháp và có xác nhận chữ ký của tổ chức cử người giám định.
Nếu việc giám định tập thể về một lĩnh vực chuyên môn thì những người giám định cùng thực hiện giám định ký vào bản kết luận giám định chung và cùng chịu trách nhiệm về kết luận giám định đó; nếu có có ý kiến khác thì giám định viên ghi ý kiến của mình vào bản kết luận giám định và chịu trách nhiệm về ý kiến đó.
Trường hợp giám định tập thể thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau thì mỗi người giám định thực hiện phần việc giám định  thuộc lĩnh vực chuyên môn của mình và chịu trách nhiệm cá nhân về phần kết luận giám định đó.
- Trường hợp trưng cầu, yêu cầu tổ chức thực hiện giám định tư pháp thì ngoài chữ ký, họ, tên của người giám định, người đứng đầu tổ chức còn phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định tư pháp.
- Trường hợp Hội đồng giám định theo quy định tại khoản 1 Điều 30 của Luật Giám định tư pháp thực hiện giám định thì người có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng phải ký tên, đóng dấu vào bản kết luận giám định tư pháp và chịu trách nhiệm về tư cách pháp lý của Hội đồng giám định.
3. Giá trị pháp lý của kết luận giám định tư pháp
3.1. Kết luận giám định tư pháp là nguồn chứng cứ khoa học, là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền chứng minh sự thật khách quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, vụ việc dân sự, vụ án hành chính (điểm d khoản 1 Điều 87 Bộ luật Tố tụng hình sự  2015, khoản 5 Điều 94 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015và khoản 5 Điều 81 Luật Tố tụng hành chính 2015).
3.2. Trong trường hợp việc giám định được thực hiện trước khi có quyết định khởi tố vụ án hình sự, theo đúng trình tự, thủ tục do Luật Giám định tư pháp quy định thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể sử dụng kết luận giám định đó như kết luận giám định tư pháp (khoản 3 Điều 32 Luật Giám định tư pháp).
4. Đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp
Kết luận giám định là văn bản do cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp lập, là một trong các nguồn chứng cứ.
Theo quy định tại Điều 108 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì: Mỗi chứng cứ phải được kiểm tra, đánh giá để xác định tính hợp pháp, xác thực và liên quan đến vụ án. Việc xác định những chứng cứ thu thập được phải bảo đảm đủ để giải quyết vụ án hình sự. Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình phải kiểm tra, đánh giá đầy đủ, khách quan, toàn diện mọi chứng cứ đã thu thập được về vụ án. Như vậy, việc đánh giá, sử dụng kết luận giám định là trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, vụ việc.
Luật Giám định tư pháp quy định Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra, cơ quan kiểm sát và hệ thống tòa án thuộc thẩm quyền quản lý[77]thể hiện tính “cộng đồng” trách nhiệm đối với sự phát triển của công tác giám định tư pháp. 
5. Giải quyết mâu thuẫn trong trường hợp có nhiều kết luận giám định về cùng một nội dung giám định
Thực tiễn hoạt động tố tụng những năm qua nảy sinh trường hợp trong cùng một nội dung có nhiều kết luận giám định nhưng lại không thống nhất, thậm chí mâu thuẫn nhau gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc sử dụng kết luận giám định nào làm căn cứ khi giải quyết vụ án, bảo đảm sự khách quan, chính xác, đúng pháp luật. Từ đó, có ý kiến đề nghị Luật Giám định tư pháp cần thiết lập "cơ chế" làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan trưng cầu giám định) quyết định sử dụng kết luận giám định nào trong số các kết luận đó.
Tuy nhiên, về bản chất hoạt động giám định tư pháp là hoạt động cung cấp ý kiến của chuyên gia về nội dung, phạm vi vấn đề được yêu cầu. Kết luận giám định tư pháp là văn bản mang tính chuyên môn, khoa học, không phân biệt kết luận của cá nhân người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp hay kết luận của Hội đồng giám định. Mỗi kết luận giám định đều là một trong những nguồn chứng cứ được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng có thẩm quyền xem xét, đánh giá một cách bình đẳng với các chứng cứ khác khi giải quyết vụ án. Vì vậy, Luật Giám định tư pháp không đặt vấn đề kết luận của tổ chức giám định tư pháp, Hội đồng giám định “cấp trên” có giá trị hơn kết luận của tổ chức giám định tư pháp, Hội đồng giám định “cấp dưới” để bảo đảm sự khách quan, độc lập của hoạt động giám định; đồng thời không đặt ra yêu cầu xác định “kết luận giám định cuối cùng”.
Để tránh trường hợp vì có sự mâu thuẫn giữa các kết luận giám định mà kéo dài thời gian giải quyết vụ án, khoản 1 Điều 30 Luật Giám định tư pháp đã thiết lập cơ chế “giám định hội đồng” để thực hiện giám định lại lần thứ 2 đối với kết luận giám định lại (lần thứ nhất) trong trường hợp có sự khác nhau giữa kết luận giám định (lần đầu) và kết luận giám định lại lần thứ nhất; khoản 2 Điều 30 Luật Giám định tư pháp quy định có tính chất định hướng là: sau khi có kết luận giám định của Hội đồng giám định, việc giám định lại (lần nữa) là trường hợp đặc biệt và chỉ có Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Viện kiểm sát nhân dân tối cao mới có quyền quyết định việc giám định lại.
Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tuy không trực tiếp quy định kết luận giám định nào là kết luận cuối cùng nhưng xác định kết luận giám định lại (lần 2) do Hội đồng giám định thực hiện trong trường hợp đặc biệt được sử dụng để giải quyết vụ án. Điều 212 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định: “Trường hợp đặc biệt, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định việc giám định lại sau khi đã có kết luận của Hội đồng giám định. Việc giám định lại trong trường hợp đặc biệt phải do Hội đồng mới thực hiện, những người đã tham gia giám định trước đó không được giám định lại. Kết luận giám định lại trong trường hợp này được sử dụng để giải quyết vụ án”.
Như vậy, có thể hiểu là kết luận giám định tư pháp của Hội đồng giám định trong trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Giám định tư pháp là “kết luận giám định cuối cùng”.
XVII. CHI PHÍ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Khái niệm chi phí giám định tư pháp có “tiền thân” là phí giám định tư pháp theo quy định của Pháp lệnh phí và lệ phí, theo đó phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được một tổ chức, cá nhân khác cung cấp dịch vụ được quy định trong Danh mục phí ban hành kèm theo Pháp lệnh này.
Tuy nhiên, trên thực tế hoạt động giám định được thực hiện trong nhiều lĩnh vực khác nhau với tính chất nghiệp vụ phức tạp rất khác nhau, chi phí phục vụ hoạt động giám định trong mỗi lĩnh vực, thậm chí trong mỗi vụ việc giám định về cùng một lĩnh vực chi phí giám định cũng có sự khác nhau rất lớn.
Vì vậy, để thực hiện việc thu phí giám định phù hợp đối với từng lĩnh vực giám định cần ban hành một văn bản riêng. Trên thực tiễn sau nhiều năm triển khai thực hiện, Bộ Tài chính mới ban hành được phí giám định tư pháp trong 04 lĩnh vực, cụ thể là: Pháp y; Pháp y tâm thần; Kỹ thuật hình sự; Thông tin và truyền thông, còn các lĩnh vực giám định khác chưa được quy định cụ thể, rõ ràng gây khó khăn trong việc thu phí giám định tư pháp, từ đó làm cho hoạt động giám định tư pháp bị ách tắc, nhất là tại những lĩnh vực như xây dựng, tài nguyên, môi trường… cần chi phí rất lớn.
Do vậy, vấn đề đặt ra là để hoạt động giám định tư pháp đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng thì một trong những điều kiện quan trọng là hoạt động giám định phải được tính đúng, tính đủ tất cả các chi phí cần thiết đảm bảo tái đầu tư, bù đắp sức lao động... cho tổ chức, cá nhân người giám định tư pháp.
Để đáp ứng yêu cầu này, vấn đề phí giám định đã được nghiên cứu chuyển thành cơ chế giá dịch vụ. Vì vậy, Điều 36 Luật Giám định tư pháp[78] quy định: “người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định có trách nhiệm trả chi phí giám định tư pháp cho cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về chi phí giám định tư pháp” và theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch (Pháp lệnh) thì: “Chi phí giám định là số tiền cần thiết, hợp lý phải chi trả cho công việc giám định do tổ chức, cá nhân thực hiện giám định tính căn cứ vào quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan”.
Kinh phí thanh toán chi phí giám định tư pháp mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm chi trả được bảo đảm từ nguồn ngân sách nhà nước theo dự toán hằng năm của cơ quan đó để thực hiện giám định tư pháp[79].
Như vậy, kể từ ngày 01/01/2013 Pháp lệnh chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng có hiệu lực thi hành thì khái niệm chi phí giám định đã thay thế cho khái niệm phí giám định tư pháp.
1. Xác định chi phí giám định
Người thực hiện giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người trưng cầu, người yêu cầu giám định về chi phí giám định theo từng vụ việc được trưng cầu, yêu cầu giám định.
Theo quy định tại Điều 9 Pháp lệnh và các điều (từ Điều 3 đến Điều 6) của Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14/8/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh (Nghị định số 81/2014/NĐ-CP) thì chi phí giám định được xác định theo các căn cứ sau đây:
1.1. Chi phí tiền lương, thù lao cho người thực hiện giám định
Chi phí tiền lương được áp dụng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với tổ chức giám định tư pháp công lập, tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập và tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc. Tổ chức thực hiện giám định căn cứ vào nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và các quy định của chế độ tiền lương hiện hành áp dụng đối với mình xác định chi phí tiền lương làm cơ sở thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
Chi phí thù lao được áp dụng trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định đối với giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Mức thù lao do Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ nội dung yêu cầu giám định, khối lượng công việc, thời gian cần thiết thực hiện giám định và tiền lương, thu nhập thực tế của mình xác định hợp lý và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Đối với Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước căn cứ quy định của pháp luật về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp (Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) xác định thù lao giám định tư pháp thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
1.2. Chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị và chi phí vật tư tiêu hao
- Tổ chức thực hiện giám định khi thực hiện giám định nếu phải sử dụng máy móc, phương tiện, thiết bị thì chi phí khấu hao máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định như sau:
+ Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị là tài sản cố định, chi phí khấu hao được xác định theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định cho từng loại máy móc, phương tiện, thiết bị của tổ chức thực hiện giám định và thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định.
+ Trường hợp máy móc, phương tiện, thiết bị không đáp ứng đủ điều kiện xác định là tài sản cố định thì chi phí khấu hao đối với máy móc, phương tiện, thiết bị được xác định theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh trong kỳ nhưng tối đa không quá 02 năm và không quá thời gian thực tế sử dụng phục vụ cho việc giám định.
- Tổ chức thực hiện giám định; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc là người đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân thực hiện giám định) khi thực hiện giám định nếu có sử dụng vật tư thì được xác định chi phí vật tư tiêu hao. Chi phí vật tư tiêu hao xác định căn cứ vào định mức vật tư tiêu hao và khối lượng công việc giám định phát sinh phù hợp trong từng lĩnh vực giám định.
Trường hợp chưa có quy định của pháp luật về định mức vật tư tiêu hao, tổ chức, cá nhân thực hiện giám định căn cứ các quy định có liên quan và điều kiện sử dụng vật tư phục vụ giám định để xác định mức vật tư tiêu hao thông báo cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Tổ chức, cá nhân thực hiện giám định phải chịu trách nhiệm về sự phù hợp của mức vật tư tiêu hao đã thông báo.
1.3. Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác
- Chi phí sử dụng dịch vụ được áp dụng trong trường hợp cần thiết phải sử dụng kết quả thực nghiệm, xét nghiệm bổ sung hoặc kết luận chuyên môn do cá nhân, tổ chức khác thực hiện và chi phí sử dụng dịch vụ thuê ngoài khác nhằm phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định.
- Chi phí khác là những chi phí liên quan và phục vụ trực tiếp cho việc thực hiện giám định tư pháp phù hợp với tính chất, nội dung từng vụ việc trong các lĩnh vực cụ thể.
Chi phí sử dụng dịch vụ và chi phí khác được xác định căn cứ theo thực tế phát sinh của từng trường hợp cụ thể trên cơ sở có đủ hợp đồng (nếu có) và hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.
2. Trách nhiệm thanh toán chi phí giám định tư pháp
XVIII. CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRONG HOẠT ĐỘNG GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
Giám định tư pháp là hoạt động phức tạp, khó khăn đòi hỏi sự tận tâm, tận lực cũng như cần động viên, khuyến khích người có trình độ chuyên môn cao tham gia công tác giám định tư pháp nhằm đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng.
1. Chế độ đối với người giám định tư pháp và người tham gia giám định tư pháp[80],
1.1. Chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp
Điều 37 Luật Giám định tư pháp quy định: Giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc, người giúp việc cho người giám định tư pháp đang hưởng lương từ ngân sách nhà nước, người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao trách nhiệm có mặt, thực hiện nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giám định đối với trường hợp khám nghiệm tử thi, mổ tử thi, khai quật tử thi thì được hưởng bồi dưỡng giám định tư pháp theo vụ việc giám định. Ngày 01/01/2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp (chi tiết theo bảng dưới đây).
STT
LOẠI VIỆC GIÁM ĐỊNH
MỨC BỒI DƯỠNG
I
Theo ngày công
1
Mức 1
150.000 đ/ngày
2
Mức 2
3
Mức 3
500.000 đ/ngày
II
Theo vụ việc
1
Trên người sống
 
Mức 1 (chuyên khoa sâu)
 
Mức 2 (tổng quát)
200.000 đ/nội dung yêu cầu
 
Mức 3 (hội chẩn chuyên môn sâu)
300.000 đ/nội dung yêu cầu
2
Trên tử thi
2.1
Không mổ tử thi
 
Mức 1 (trong 48 giờ)
600.000đ/tử thi
 
Mức 2 (ngoài 48 giờ đến 7 ngày)
800.000đ/tử thi
 
Mức 3 (quá 7 ngày)
1.000.000đ/tử thi
2.2
Mổ tử thi
 
Mức 1(trong 48 giờ)
1.500.000đ/tử thi
 
Mức 2 (ngoài 48 giờ đến 7 ngày)
2.500.000đ/tử thi
 
Mức 3 (quá 7 ngày)
3.000.000đ/tử thi
 
Mức 4 (quý 7 ngày và phải khai quật)
4.500.000đ/tử thi
3
Giám định hài cốt
 
Mức 1
3.000.000đ/hài cốt
 
Mức 2
4.500.000đ/hài cốt
1.2. Chế độ đối với người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước
Người giám định tư pháp không hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc không do Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động tiếp nhận và thực hiện giám định tư pháp trên cơ sở thỏa thuận với người trưng cầu giám định, người yêu cầu giám định
1.3. Chế độ phụ cấp giám định và chế độ ưu đãi khác
- Giám định viên tư pháp ở các tổ chức giám định chuyên trách như Pháp y, Pháp y tâm thần, Kỹ thuật hình sự được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc giám định tư pháp theo quy định tại Thông tư số 02/2009/TT-BTP ngày 17/9/2009 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, theo đó giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần, giám định viên kỹ thuật hình sự là người hưởng lương từ ngân sách nhà nước được hưởng mức là 0,3 của mức lương tối thiểu chung (nay là mức lương cơ sở).
- Giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần được hưởng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề quy định tại Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập, theo đó giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần được hưởng 70%/mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), người giúp việc giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần được hưởng 30%/mức lương ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).
- Giám định viên tư pháp thuộc lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được hưởng phụ cấp theo quy định của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Chính sách đối với hoạt động giám định tư pháp
2.1. Chính sách ưu đãi đối với tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập
Tổ chức giám định tư pháp ngoài công lập được hưởng một số chính sách về ưu đãi thuế, tiền thuê đất… theo quy định của pháp luật. Thực tế cho thấy rất khó khăn, cụ thể năm 2008 Chính phủ đã có Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong một số lĩnh vực nhưng lại chưa có quy định về lĩnh vực giám định tư pháp. Đến 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 59/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ, theo đó đã bổ sung lĩnh vực giám định tư pháp được ưu đãi về miễn, giảm tiền thuê đất.
2.2. Tôn vinh, khen thưởng[81]
- Người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc có đóng góp tích cực cho hoạt động giám định tư pháp thì được tôn vinh, khen thưởng.
- Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào khả năng, điều kiện thực tế và thẩm quyền của mình quy định chế độ, chính sách khác để thu hút chuyên gia, tổ chức có năng lực tham gia hoạt động giám định tư pháp.
XIX. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ TƯ PHÁP
Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về giám định tư pháp, có nhiệm vụ, quyền hạn
 1. Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp và hướng dẫn thi hành các văn bản đó.
Chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược, kế hoạch phát triển chung về giám định tư pháp; phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển theo từng lĩnh vực giám định tư pháp.
2. Có ý kiến bằng văn bản về việc thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quyết định của bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; trong trường hợp cần thiết, đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập để đáp ứng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng.
3. Xây dựng chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp; phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ trong việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp.
4. Tập hợp, lập và đăng tải danh sách chung về cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp.
5. Đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về giám định tư pháp của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; yêu cầu bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp; báo cáo Chính phủ về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp trong phạm vi toàn quốc.
6. Chủ trì hoặc đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan tổ chức kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp.
7. Thực hiện quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế về giám định tư pháp.
XX. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ, CƠ QUAN NGANG BỘ, CƠ QUAN THUỘC CHÍNH PHỦ
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp
- Ban hành hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp ở lĩnh vực giám định thuộc thẩm quyền quản lý và hướng dẫn thi hành các văn bản đó;
- Ban hành quy trình giám định; ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp; căn cứ yêu cầu và tính chất đặc thù của lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý quy định cụ thể về thời hạn đối với từng loại việc giám định;
- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quyết định thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của Luật Giám định tư pháp; phân công đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp theo thẩm quyền; công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của bộ, ngành mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý;
- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp;
- Quy định điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của Văn phòng giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
- Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Giám định tư pháp;
- Thực hiện hợp tác quốc tế về giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
- Trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thuộc Chính phủ[82]
- Xây dựng quy trình giám định đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp ban hành theo thẩm quyền;
- Công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; hằng năm, tổng kết, gửi Bộ Tư pháp báo cáo về hoạt động giám định tư pháp của cơ quan mình;
- Chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm số lượng, chất lượng hoạt động của người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp; bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định thuộc bộ, ngành mình quản lý;
- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp;
- Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ giám định tư pháp, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
XXI. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ Y TẾ
1. Quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;
2. Ban hành quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực giám định pháp y, pháp y tâm thần;
3. Quy định cụ thể tiêu chuẩn giám định viên pháp y, giám định viên pháp y tâm thần;
4. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp.
XXII. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ CÔNG AN
1. Quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;
2. Ban hành quy chuẩn chuyên môn trong lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự;
3. Quy định cụ thể tiêu chuẩn giám định viên kỹ thuật hình sự;
4. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ giám định kỹ thuật hình sự theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 7 của Luật Giám định tư pháp;
5. Ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, yêu cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;
6. Hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp;
7. Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả chi phí giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;
8. Hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, đồng thời gửi bộ, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý; chỉ đạo Công an cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở địa phương;
9. Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
XXIII. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BỘ QUỐC PHÒNG
1. Thực hiện thống kê hằng năm về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;
2. Hướng dẫn cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp;
3. Bảo đảm kinh phí, hướng dẫn chi trả chi phí giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý;
4. Hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp về tình hình trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra thuộc thẩm quyền quản lý.
XXIV. NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP TỈNH
1. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
- Thành lập tổ chức giám định tư pháp công lập; quyết định cho phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp;
- Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp[83] theo thẩm quyền; công nhận danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương; đăng tải và cập nhật danh sách cá nhân, tổ chức giám định tư pháp trên cổng thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp;
- Bảo đảm kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết khác cho cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý;
- Tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp ở địa phương;
- Hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của Chính phủ, kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp và báo cáo kết quả cho Bộ Tư pháp;
- Kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền; phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác kiểm tra, thanh tra về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp theo quy định tại khoản 6 Điều 40 của Luật Giám định tư pháp;
- Báo cáo Bộ Tư pháp về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương, đồng thời gửi bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định[84].
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Tư pháp
Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về giám định tư pháp ở địa phương, có các nhiệm vụ và quyền hạn[85]:
- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định của Văn phòng giám định tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định; chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;
- Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho giám định viên tư pháp ở địa phương;
- Phối hợp với Sở Y tế xây dựng đề án trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức giám định tư pháp công lập trong lĩnh vực pháp y;
- Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp ở địa phương;
- Phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp trong việc lựa chọn để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận, ra quyết định hủy bỏ công nhận người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương;
- Hàng năm, chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp đánh giá về tổ chức, chất lượng hoạt động giám định tư pháp ở địa phương; đề xuất với Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh các giải pháp để bảo đảm số lượng, chất lượng của đội ngũ người giám định tư pháp đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng ở địa phương;
- Chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý lĩnh vực giám định tư pháp kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về giám định tư pháp theo thẩm quyền;
- Báo cáo Bộ Tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp ở địa phương theo quy định của pháp luật về chế độ báo cáo của cơ quan hành chính nhà nước và quy định về chế độ báo cáo định kỳ thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tư pháp.
- Tổ chức in phôi thẻ giám định viên tư pháp; tiếp nhận quyết định cấp thẻ giám định viên tư pháp; thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ; phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp thẻ ở địa phương mình[86].
 3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp quản lý nhà nước về lĩnh vực giám định tư pháp chuyên ngành, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý.
Cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có các nhiệm vụ, quyền hạn[87]:
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc lựa chọn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định công nhận, đăng tải danh sách người giám định tư pháp, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc ở địa phương;
- Lập dự toán kinh phí hoạt động cho tổ chức giám định tư pháp công lập thuộc mình quản lý;
- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trong việc tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho giám định viên tư pháp ở địa phương;
- Chủ trì hoặc phối hợp với Sở Tư pháp trong việc kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về giám định tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền;
- Phối hợp với Sở Tư pháp trong việc thẩm định hồ sơ xin phép thành lập Văn phòng giám định tư pháp, chuyển đổi loại hình hoạt động, thay đổi, bổ sung lĩnh vực giám định, đăng ký hoạt động của Văn phòng giám định tư pháp;
- Hàng năm, báo cáo Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý lĩnh vực chuyên môn về giám định tư pháp và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình ở địa phương; đồng thời gửi báo cáo về Sở Tư pháp để tổng hợp chung;
- Ngoài nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên, Sở Y tế có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, củng cố, kiện toàn Trung tâm pháp y cấp tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp thuộc phạm vi quản lý.
XXV. TRÁCH NHIỆM CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
1. Hướng dẫn áp dụng các quy định của pháp luật về trưng cầu giám định và đánh giá, sử dụng kết luận giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân.
2. Ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan; chỉ đạo Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về tình hình trưng cầu giám định tư pháp, đánh giá việc thực hiện giám định tư pháp và sử dụng kết luận giám định tư pháp, nhu cầu giám định ở địa phương.
3. Phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thực hiện chế độ thống kê, báo cáo về trưng cầu, đánh giá việc thực hiện giám định và sử dụng kết luận giám định tư pháp.
4. Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân; trường hợp kinh phí được cấp không đủ thì lập dự toán để cấp bổ sung bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp và chi phí tham dự phiên tòa của người giám định theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
5. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quy định việc bố trí vị trí của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa.
6. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đăng tải và cập nhật danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc thẩm quyền quản lý; hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý; kịp thời tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp; trước ngày 31 tháng 12 hằng năm, tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ.


 PHẦN THỨ HAI
MỘT SỐ KỸ NĂNG PHÁP LÝ CƠ BẢN
CỦA NGƯỜI GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP
1. Tiếp nhận quyết định trưng cầu giám định hoặc sự phân công của Thủ trưởng cơ quan thực hiện giám định
Đây là bước đầu tiên, quan trọng ảnh hưởng đến quá trình thực hiện giám định, người có trách nhiệm tiếp nhận việc trưng cầu, yêu cầu giám định trước tiên phân biệt việc trưng cầu của cơ quan, người có thẩm quyền hay yêu cầu của người có quyền yêu cầu giám định. Đồng thời, cần xem xét kỹ nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định; mẫu vật giám định và các tài liệu liên quan kèm theo để bảo đảm nội dung cần giám định phù hợp với lĩnh vực chuyên môn và khả năng giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu, yêu cầu; các tài liệu liên quan phải đảm bảo đủ thông tin cần thiết, mẫu vật giám định phải phù hợp với yêu cầu giám định. Nghiên cứu kỹ nội dung trưng cầu giám định, đối tượng giám định để xác định thẩm quyền giám định hoặc sự đáp ứng của năng lực giám định, lập kế hoạch, phương án thực hiện giám định.
Việc tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu giám định cần tuân thủ nguyên tắc bảo mật, lập biên bản tiếp nhận trưng cầu giám định chi tiết, chính xác theo đúng quy trình, nghiệp vụ. Trong trường hợp nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định vượt quá phạm vi, khả năng chuyên môn, đối tượng giám định, các tài liệu có liên quan không được cung cấp đầy đủ hoặc không có giá trị cho việc giám định cần yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu giám định bổ sung. Trường hợp người trưng cầu, yêu cầu giám định không bổ sung hoặc bổ sung không đầy đủ hoặc thời gian không đủ để thực hiện giám định thì từ chối thực hiện giám định và thông báo kịp thời cho người trưng cầu, yêu cầu giám định đúng thời hạn quy định tại điểm d khoản 2 Điều 24 Luật Giám định tư pháp.
2. Việc tiến hành giám định
Việc tiến hành giám định phải tuân thủ đầy đủ quy trình giám định do Bộ, ngành chủ quản ban hành hoặc hướng dẫn áp dụng quy trình của ngành đó.
- Đ­ược tiến hành ngay sau khi có Quyết định trư­ng cầu (nhận đư­ợc quyết định kèm theo đối tư­ợng giám định và các tài liệu liên quan) để bảo đảm chất lượng giám định, tính khách quan, chính xác, kịp thời đáp ứng yêu cầu điều tra, truy tố, xét xử.
- Tiến hành ngay tại nơi xảy ra vụ án (hiện trư­ờng) hoặc tại cơ quan giám định (Các tổ chức giám định tư pháp ở Trung ương, Phòng kỹ thuật hình sự, Trung tâm pháp y…).
- Điều tra viên, kiểm sát viên có quyền tham gia dự vào việc giám định như­ng phải báo trư­ớc cho ngư­ời giám định biết. Khi tham dự có thể hỏi ngư­ời giám định về những vấn đề cần thiết liên quan đến kết luận giám định.
- Trong tr­ường hợp tổ chức giám định t­ư pháp hoặc tổ chức chuyên môn đ­ược trưng cầu giám định, thì ngư­ời đứng đầu tổ chức đó cử ng­ười thực hiện giám định và chịu trách nhiệm về việc cử ng­ười đó. Ngư­ời thực hiện giám định chịu trách nhiệm cá nhân tr­ước pháp luật về kết luận giám định - đó là sự trung thực trong đánh giá, kết luận những vấn đề chuyên môn liên quan đến nội dung tr­ưng cầu giám định, ví dụ như có HIV không, đúng là máu ng­ười, và vết máu ở mẫu này với mẫu kia là cùng của một ngư­ời…
3. Kết luận giám định
Bản kết luận giám định phải đủ nội dung theo quy định tại Điều 32 Luật Giám định tư pháp.
Kết luận giám định là kết quả của cả quá trình thực hiện giám định trước đó. Giám định viên/người giám định tổng hợp kết quả các hoạt động đã thực hiện, kết quả hoạt động khoa học và các tài liệu khác (nếu có) để đánh giá, so sánh, đối chiếu tìm ra sự đồng nhất, sự khác biệt giữa các tài liệu để kết luận.
Thực tế, nhiều vụ việc giám định phức tạp phải đồng thời tiến hành nhiều hoạt động ở các chuyên khoa, chuyên ngành khác nhau, đòi hỏi người kết luận tổng hợp, phân tích, đánh giá dưới nhiều góc độ, phải vận dụng kết hợp nhiều thể loại tri thức, kiến thức thực tiễn, thậm chí với giám định pháp y tâm thần giám định viên còn rà soát toàn bộ quá trình sinh hoạt bình thường của đối tượng giám định trong thời gian dài trước đó; trong giám định pháp y, văn hóa hay giám định kỹ thuật hình sự và các lĩnh vực khác tương tự, người giám định cần tổng hợp kết quả của nhiều công đoạn trước đó do vận hành máy móc, thiết bị mang lại hoặc trực tiếp “xem” toàn bộ ấn phẩm phim, ảnh để có nhận xét, đánh giá... hoạt động này đòi hỏi người giám định phải tập trung cao độ tâm trí, năng lực chuyên môn để nhận thức và chuyển tải chính xác nội dung vào bản kết luận giám định.
Việc trình bày, thể hiện nội dung kết luận giám định cần rõ ràng, văn phong gọn, súc tích, dễ hiểu thể hiện đầy đủ quy trình giám định, phương pháp giám định, phương tiện giám định, quy chuẩn chuyên môn được áp dụng ... làm cho kết luận giám định có sức thuyết phục cũng là tạo điều kiện cần thiết để người trưng cầu giám định cân nhắc, xem xét việc sử dụng kết luận giám định trong đánh giá chứng cứ.
Qua tham khảo tài liệu, tổng hợp ý kiến của chuyên gia trong quá trình nghiên cứu và tiếp xúc một số kết luận giám định, có thể khái quát một số dạng kết luận giám định để người giám định tham khảo, có thể kể như:
- Kết luận khẳng định, thể dạng kết luận này gồm: kết luận khẳng định đồng nhất và kết luận khẳng định không đồng nhất.
+ Kết luận khẳng định đồng nhất thường được sử dụng trong trường hợp có sự đồng nhất, ổn định của đặc điểm cá biệt trên dấu vết, vật chứng cần giám định với mẫu so sánh và nếu có sự khác biệt thì cũng không cơ bản và có thể giải thích được.
+ Kết luận giám định khẳng định không đồng nhất, được sử dụng trong trường hợp có những khác biệt cơ bản, xuất hiện có tính tất yếu, ổn định giữa những đặc điểm của đối tượng cần giám định và mẫu so sánh.
- Kết luận khả năng, gồm: kết luận khả năng đồng nhất và kết luận khả năng không đồng nhất.
+ Kết luận khả năng đồng nhất: được đưa ra khi có một số lượng nhất định những đặc điểm cá biệt giống nhau, nhưng tính ổn định không cao và số lượng những đặc điểm giống nhau chưa đủ để kết luận khẳng định đồng nhất. Giám định viên phát hiện thấy những khác biệt, nhưng không giải thích được. Nếu có nhiều thông tin hơn nữa thì có thể kết luận khẳng định đồng nhất được.
+ Kết luận khả năng không đồng nhất: được đưa ra khi có nhiều đặc điểm của đối tượng cần giám định và mẫu so sánh khác biệt nhau, nhưng lại có những đặc điểm giống nhau. Tuy nhiên sự khác biệt lớn hơn sự giống nhau, nhưng lại không giải thích được những đặc điểm giống nhau thì có thể khẳng định kết luận không đồng nhất.” [88]
Ngoài ra trong thực tế còn có loại kết luận giám định khác như: không đủ yếu tố để giám định; hoặc giám định về tự dạng, phần kết luận về đối tượng giám định chỉ viết: chữ viết trên mẫu A với chữ viết trên mẫu B không phải do một người viết ra hoặc do cùng một người viết ra, mà không thấy phần trích về sự đồng nhất hay những sự khác biệt trong bản kết luận…
* Lưu ý:
- Kết luận giám định chỉ thể hiện về chuyên môn những vấn đề trong phạm vi được yêu cầu.
- Khi viết kết luận giám định, người giám định cần “độc lập”, chỉ căn cứ tài liệu chuyên môn, khoa học, không để bị chi phối bởi tình cảm hay lợi ích vật chất hoặc “sức ép” khác.
4. Lập hồ sơ giám định
- Hồ sơ giám định tư pháp mỗi lĩnh vực giám định được lập theo mẫu thống nhất theo hướng dẫn của Bộ, ngành quản lý lĩnh vực giám định tư pháp;
- Ghi chép cẩn trọng, tỷ mỉ đầy đủ nội dung theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Giám định tư pháp;
- Tổ chức giám định bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người thực hiện giám định của tổ chức mình bàn giao và xuất trình khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền giải quyết vụ án liên quan.
5. Kỹ năng tham gia tố tụng
Tham gia tố tụng vừa là quyền vừa là nghĩa vụ của người giám định trên các phương diện: tìm hiểu thêm thông qua việc tham dự hỏi cung, nghiên cứu hồ sơ, giải đáp những thắc mắc của cơ quan trưng cầu trong quá trình thực hiện giám định, trình bày các luận cứ, giải thích bổ sung bảo vệ kết luận giám định và cung cấp thêm kết luận giám định tại phiên tòa. Việc tham gia tố tụng chủ yếu thể hiện ở các khâu điều tra, truy tố, xét xử trong tố tụng hình sự hoặc xét xử trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính với một số hoạt động cụ thể sau đây:
5.1. Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối t­ượng giám định, yêu cầu cơ quan tr­ưng cầu giám định cung cấp những tài liệu cần thiết cho việc giám định
Khi thực hiện giám định, người giám định xét thấy cần thiết phải có tài liệu bổ sung hoặc có những tình tiết mới cần thiết tìm hiểu thì có quyền yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu cung cấp hồ sơ vụ án.
5.2. Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tư­ợng giám định
Trong trường hợp cần thiết hỏi thêm đối tượng giám định là người hoặc tìm hiểu thêm thông tin mà có thể chỉ bị can nắm được thì theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 60 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015  năm 2015, người giám định có thể yêu cầu cơ quan điều tra, điều tra viên bố trí để tham dự việc hỏi cung để đặt câu hỏi làm rõ những vấn đề có liên quan đến đối tư­ợng giám định. Để làm tốt công việc này, người giám định cần nghiên cứu kỹ tất cả tài liệu, hồ sơ hiện có, ghi riêng những nội dung cần làm sáng tỏ và có thể dự liệu trước các câu hỏi.
5.3. Tham dự phiên tòa
Để thực hiện tốt vai trò của người tham gia tố tụng, ngoài việc chuẩn bị tốt về nội dung kết luận và quá trình thực hiện giám định, người giám định cần tìm hiểu để xác định rõ quy định của pháp luật tố tụng tương ứng, nhất là các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình khi tham gia tố tụng[89]; đồng thời cần nắm rõ trình tự thủ tục, diễn tiến của phiên tòa xét xử [90]. Khi tham dự phiên tòa, người giám định cần lắng nghe, ghi chép tỉ mỉ những ý kiến của chủ tọa, của những người liên quan để chủ động có những giải pháp hợp lý, phù hợp. Mục đích việc tham dự phiên tòa thường là: trình bày kết luận giám định, giải thích thêm về một số nội dung trong kết luận giám định, trả lời câu hỏi của Hội đồng xét xử, của Kiểm sát viên và câu hỏi của những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa.
Để thực tốt yêu cầu này, người giám định nghiên cứu kỹ những nội dung vụ việc giám định, kết luận giám định; nắm rõ quyền và nghĩa vụ của người giám định cũng như quyền và nghĩa vụ của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng khác trong giai đoạn tố tụng; những nguyên tắc thực hiện giám định để chuẩn bị “tâm thế” trình bày kết luận giám định, giải thích bổ sung về kết luận giám định, có thể giải thích phương pháp, phương tiện tiến hành để giám định, các căn cứ để đưa ra kết luận giám định. Trả lời những câu hỏi của hội đồng xét xử, câu hỏi của những người tham gia tố tụng khác. Trong trường hợp cần thiết, người giám định có thể đặt câu hỏi đối với những người tham gia tố tụng khác. Việc trả lời câu hỏi cần rõ ràng, ngắn gọn, đúng phạm vi chuyên môn, biết từ chối những câu hỏi có nội dung ngoài phạm vi trách nhiệm.
 
 
 
 
 
 


 DANH MỤC
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
2. Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.
3. Luật Tố tụng hành chính 2015.
4. Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
5. Luật Giám định tư pháp 2012.
6. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020.
7. Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
8. Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp.
9. Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định tư pháp 85 theo quy định tại.
10. Nghị định số 81/2014/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh Chi phí giám định, định giá; chi phí cho người làm chứng, người phiên dịch trong tố tụng.
11. Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
12. Thông tư số 137/2014/TT-BTC ngày 18 tháng 9 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí chi trả tiền bồi dưỡng giám định tư pháp của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng theo quy định tại Quyết định số 01/2014/QĐ-TTg ngày 01 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ bồi dưỡng giám định tư pháp.
13. Thông tư số 215/2015/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động trưng cầu giám định, định giá, triệu tập người làm chứng, người phiên dịch của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
14. Thông tư số 138/2013/TT-BTC ngày 09 tháng 10 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Luật Giám định tư pháp và Nghị định số 85/2013/NĐ-CP trong lĩnh vực giám định tài chính[91].
15. Thông tư số 33/2021/TT-BCA ngày 29 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 34 quy trình giám định kỹ thuật hình sự.
16. Thông tư số 01/2022/TT-BCA ngày 01 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Công an ban hành 17 quy trình giám định kỹ thuật hình sự.
17. Thông tư số 30/2014/TT-BCA ngày 23 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về biểu mẫu sử dụng trong công tác hồ sơ, thống kê nghiệp vụ cảnh sát, công tác giám định kỹ thuật hình sự và công tác kỹ thuật phòng, chống tội phạm.
18. Thông tư số 33/2014/TT-BCA ngày 05 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Công an quy định chi tiết tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự[92].
19. Thông tư số 47/2013/TT-BYT ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y[93].
20. Thông tư số 02/2014/TT-BYT ngày 15 tháng 01 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tiêu chuẩn, hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám  định viên pháp y, pháp y tâm thần.
21. Thông tư số 22/2019/TT- BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần (thay thế Thông tư số 20/2014/TT- BYT ngày 12 tháng 6 năm 2014).
22. Thông tư số 23/2019/TT- BYT ngày 28 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy trình giám định pháp y tâm thần và biểu mẫu sử dụng trong giám định pháp y tâm thần (thay thế Thông tư số 18/2015/TT-BYT ngày 14 tháng 7 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
23. Thông tư số 31/2015/TT-BYT ngày 14 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định việc áp dụng chế độ bồi dưỡng, thời gian và số người thực hiện giám định đối với từng loại việc giám định pháp y, pháp y tâm thần.
24. Thông tư số 42/2015/TT-BYT ngày 16 tháng 11 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
25. Quyết định số 5609/QĐ-BYT ngày 31/12/2020 của Bộ Y tế ban hành tạm thời Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hoặc nghi ngờ bị xâm hại tình dục và Quy trình giám định pháp y đối với trẻ em bị hành hạ, ngược đãi, đánh đập.
26. Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
27. Thông tư số 25/2013/TT-BTTTT ngày 27 tháng 12 năm 2013 của của Bộ trưởng Bộ thông tin và Truyền thông quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các biểu mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông.
28. Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL ngày 08 tháng 6 năm 2021của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa.
29. Thông tư số 07/2014/TT-BVHTTDLngày 23 tháng 7 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định hồ sơ, các mẫu văn bản thực hiện giám định tư pháp; áp dụng quy chuẩn chuyên môn cho hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực văn hóa; điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện giám định của văn phòng giám định tư pháp về di vật, cổ vật, quyền tác giả, quyền liên quan[94].
30. Thông tư số 15/2021/TT-BTNMT ngày 31 tháng 8 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
31. Thông tư số 45/2014/TT-BTNMT ngày 01 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về hồ sơ giám định tư pháp và các mẫu giám định tư pháp trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
32. Thông tư số 07/2021/TT-BGTVT ngày 8 tháng 4 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực giao thông vận tải.
33. Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
34. Thông tư số 07/2014/TT-BKHĐT ngày 24 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
35. Thông tư số 12/2015/TT-BKHĐT ngày 27 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn về quy chuẩn chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp; thủ tục cử người tham gia giám định tư pháp và thành lập Hội đồng giám định tư pháp trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
36. Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16 tháng 11 năm 2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng[95].
37. Thông tư số 35/2014/TT-BKHCN ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.
38. Thông tư số 49/2014/TT-BNNPTNT ngày 23 tháng 12 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
39. Thông tư số 01/2021/TT-BCT ngày 31/3/2021 Của Bộ trưởng Bộ Công Thương sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 30/2016 ngày 13/12/2016 quy định về giám định tư pháp trong lĩnh vực công thương.
40. Quyết định số 188/QĐ-VKSTCngày 04 tháng 10 năm 2013 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành Chế độ báo cáo thống kê thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp và thống kê vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp (trong đó có các chỉ tiêu về công tác giám định tư pháp trong các vụ án hình sự, dân sự, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính).
 

 

 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN[96]
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
CƠ QUAN TRƯNG CẦU[97]
Số:       / 
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
……, ngày….. tháng ….. năm……..
QUYẾT ĐỊNH TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH
Người có thẩm quyền trưng cầu giám định (ghi rõ họ, tên)
Chức vụ: …. (ghi rõ chức vụ, cơ quan công tác)
Căn cứ: (ghi rõ số, ngày tháng năm, cơ quan ra quyết định khởi tố vụ án hoặc quyết định khác liên quan
Xét cần thiết cho việc ………………..
Căn cứ các điều               Bộ luật Tố tụng hình sự 2015  năm…….,/Bộ luật tố tụng dân sự 2015/Luật Tố tụng hành chính 2015
QUYẾT ĐỊNH:
Trưng cầu: (ghi rõ tên, địa chỉ của tổ chức hoặc cá nhân được trưng cầu)
I. TÓM TẮT NỘI DUNG VỤ VIỆC: (nêu tóm tắt nội dung chính của vụ việc, lý do cần giám định)
……………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………………
II. YÊU CẦU GIÁM ĐỊNH (ghi rõ những nội dung cần giám định, thời hạn trả kết luận giám định).
Nơi nhận:
(ghi rõ tổ chức, cá nhân được trưng cầu, nơi lưu hồ sơ);
 
 
CƠ QUAN TRƯNG CẦU
CHỨC VỤ CỦA NGƯỜI TRƯNG CẦU
(ký ghi rõ họ, tên và đóng dấu cơ quan )
 
 
 
 


[1]. Bổ sung theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[2]. Điều 2 Bộ luật Tố tụng  hình sự 2015.
[3]. Khoản 4 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.
[4]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[5]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[6]. Theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Luật Giám định tư pháp thì Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ có thẩm quyền quy định chi tiết tiêu chuẩn bổ nhiệm giám định viên tư pháp ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
[7]. khoản 5 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.
[8]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[9]. Khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.
[10]. Bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[11]. Bổ sung theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[12]. Bổ sung theo quy định tại khoản 5 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp năm 2020.
[13]. Ngày Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp có hiệu lực.
[14]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại điểm b, khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 6/4/2021 thì: Đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ được phân công làm đầu mối quản lý chung công tác giám định tư pháp, Sở Tư pháp tiếp nhận quyết cấp thẻ và thực hiện việc vào sổ lưu theo dõi số thẻ, phối hợp với các đơn vị thuộc bộ, cơ quan ngang bộ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện việc trao thẻ giám định viên tư pháp cho người được cấp ở bộ, ngành hoặc địa phương mình trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp.
 
[15]. Quy định tại khoản 2 Điều 6 Thông tư số 11/2020/TT-BTP và hướng dẫn của Bộ tư pháp tại điểm b khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 6/4/2021 của Bộ Tư pháp.
[16]. Quy định tại điểm d khoản 3 Điều 4 Thông tư số 11/2020/TT-BTP.
[17]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[18]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[19]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[20]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[21]. Bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[22]. Bổ sung theo quy định tại điểm 3 khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[23]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
[24]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020.
[25]. Quy định tại Điều 3 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
[26]. Bổ sung theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.
[27]. Quy định tại Điều 4 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ.
[28]. Quy định tại Điều 5 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29/7/2013 của Chính phủ.
[29]. Quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
[30]. Quy định tại Điều 7 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP.
[31]. Quyết định số 5151/QĐ-BYT ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
[32]. Quyết định số 5566/QĐ-BYT ngày 29/12/2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
[33]. Quyết định số 5151/QĐ-BYT ngày 12/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
[34]. Bổ sung theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[35]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm a khoản 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[36]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[37]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 6 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ.
[38]. Theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Luật giám định tư pháp; điểm d khoản 2, khoản 3 Điều 36 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[39]. Quy định tại  điểm đ khoản 2, khoản 3 Điều 41 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[40]. Quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 45 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[41]. Các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 35 và khoản 2 Điều 39 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và điểm a khoản 1 của các điều từ Điều 32 đến Điều 36 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015.
[42]. Theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 89 Luật Tố tụng hành chính 2015.
[43]. Theo quy định của khoản 2 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và khoản 2 Điều 25 Luật giám định tư pháp.
[44]. Khoản 3 Điều 205 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[45]. Quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Giám định tư pháp.
[46]. Quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp.
[47]. Quy định tại đoạn 3 khoản 2 Điều 20 Luật Giám định tư pháp.
[48]. Quy định tại khoản 2 Điều 21 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 11 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[49]. Quy định tại khoản 3 Điều 2 Luật Giám định tư pháp; Điều 207 Bộ luật Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[50]. Quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 22 Luật Giám định tư pháp được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 12 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Điều 207 Bộ luật Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[51]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm b khoản 12 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung Luật Giám định tư pháp.
[52]. Quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 22 Luật Giám định tư pháp.
[53]. Quy định tại khoản 1 Điều 23 Luật Giám định tư pháp, khoản 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[54]. Bổ sung theo quy định tại khoản 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp
[55]. Bổ sung theo quy định tại khoản 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[56]. Bổ sung theo quy định tại khoản 13 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[57]. Quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[58]. Quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[59]. Quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[60]. Quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[61]. Quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Giám định tư pháp; khoản 3 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[62]. Quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[63]. Quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm 1 khoản 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[64]. Quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại điểm 2 khoản 14 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[65]. Quy định tại Điều 26 a Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[66]. Khoản 1 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[67]. Khoản 3, khoản 6 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[68]. Khoản 2, 4 và 5 Điều 208 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[69]. Bổ sung theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[70]. Điều 3 Luật Giám định tư pháp.
[71]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 2 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[72]. Thông tư số 14/2020/TT-NHNN ngày 16/11/2020 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Thông tư số 04/2021/TT-BVHTTDL ngày 8/6/2021 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tư số 24/2013/TT-BTTTT ngày 27/12/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông…  
[73]. Điều 6 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[74]. Khoản 1 Điều 211 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
[75]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[76]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 18 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[77]. Quy định tại điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 42, khoản 1, khoản 2 Điều 44 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 24 và khoản 26 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[78]. Sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[79]. Quy định tại Điều 36 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[80]. Quy định tại Điều 37 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 21 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[81]. Quy định tại khoản 2 Điều 38 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 22 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[82]. Quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Giám định tư pháp, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp.
[83]. Bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp.
[84]. Quy định tại các điều 40, 41 và Điều 42 của Luật Giám định tư pháp.
[85]. Quy định tại định tại khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp và quy định tại khoản 1 Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.
[86]. Theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại điểm b khoản 1 Công văn số 997/BTP-BTTP ngày 06/4/2021.
[87]. Theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 Điều 43 Luật Giám định tư pháp, được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 25 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một sô điều của Luật Giám định tư pháp vàquy định tại khoản 2 Điều 28 Nghị định số 85/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định số 157/2020/NĐ-CP.
 
[88]. Ý kiến của PGS.TS  Ngô Tiến Quý, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an.
[89].  Điều 23 Luật Giám định tư pháp, Điều 68 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Điều 68 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Điều 57 Luật Tố tụng hành chính 2015.
[90]. Chương XX, Chương XXI, Chương XII Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Chương XIV, Chương XV Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Chương X Luật Tố tụng hành chính 2015.
[91]. Thông tư này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.
[92]. Thông tư này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.
[93]. Thông tư này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.
[94]. Thông tư này đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung.
[95]. Thay thế Thông tư số 44/2014/TT-NHNN ngày 29 tháng 12 năm 2014 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn một số nội dung về giám định tư pháp trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng.
[96]. Ví dụ: Bộ Công an, Công an tỉnh…., hoặc Tòa án nhân dân tỉnh…
[97]. Ví dụ: Cơ quan Cảnh sát điều tra….., hoặc Tòa án cấp cao…

Vụ Pháp chế