Chiều 10-2, tại Hà Nội, Phiên họp Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương năm 2022 đã diễn ra dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật Trung ương.
Tại Phiên họp này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn đã có bài tham luận về "Đề xuất các giải pháp chuyển đổi số đối với công tác phổ biến, giáo dục pháp luật" (PBGDPL). Nội dung bài tham luận đã đánh giá và đề xuất 07 nhóm giải pháp triển khai chuyển đổi số trong công tác PBGDPL, bao gồm:
1. Thứ nhất, cần nhanh chóng xây dựng, ban hành Đề án chuyển đổi số trong công tác PBGDPL giai đoạn mới có cập nhật phương thức, nội dung triển khai mới so với Đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác PBGDPL giai đoạn 2019 - 2021.
2. Thứ hai, cần khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách cho chuyển đổi số khả thi, hiệu quả trong công tác PBGDPL.
3. Thứ ba, cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh. Thiết bị di động thông minh là phương tiện chính của người dân trong thế giới số, sẽ rất cần trong công tác PBGDPL.
4. Thứ tư, cần có những nền tảng PBGDPL dành riêng cho mỗi đối tượng được PBGDPL, đặc biệt là một số đối tượng đặc thù như người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, ven biển, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ngư dân; người lao động trong các doanh nghiệp; nạn nhân bạo lực gia đình; người khuyết tật;…
5. Thứ năm, cần phát triển nền tảng để người dân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước (CQNN) tra cứu pháp luật dưới dạng hỏi - đáp, tình huống. Hiện nay, việc PBGDPL do các bộ, ngành, địa phương tổ chức theo nhiều hình thức khác nhau khi có văn bản mới. Cũng có nhiều cổng/trang thông tin điện tử về văn bản pháp luật có hoặc không thu phí. Tuy nhiên, hệ thống văn bản của Việt Nam khá phức tạp, một nội dung người dân, doanh nghiệp, CQNN cần có khi được quy định ở nhiều văn bản, thuộc nhiều cổng/trang thông tin điện tử khác nhau. Vì vậy, cần phát triển ứng dụng để khi người dân, doanh nghiệp hay CQNN có câu hỏi hay vấn đề gì cần biết về quy định pháp luật thì chỉ cần hỏi một câu trong ứng dụng là sẽ có câu trả lời cụ thể chứ không chỉ là tra cứu văn bản. Bên cạnh việc phát triển ứng dụng, quan trọng nhất là xây dựng bộ câu hỏi - đáp, tình huống pháp luật đúng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp, CQNN. Các bộ, ngành, địa phương thay vì tổ chức PBGDPL thì khi có văn bản mới ban hành phải xây bộ câu hỏi - đáp, tình huống về văn bản đó, gửi Bộ Tư pháp để đưa lên CSDL và chuyển ra ứng dụng để trả lời người dân, doanh nghiệp, CQNN. Có thể tích hợp các nền tảng dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, giọng nói nhân tạo để hỗ trợ công tác tìm kiếm, trả lời; nhất là cho các đối tượng đặc thù như người dân ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu, vùng xa; người khuyết tật; …
6. Thứ sáu, cần phát triển nền tảng tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa. Giống như nền tảng tư vấn khám chữa bệnh từ xa, chúng ta có thể phát triển một nền tảng tương tự để tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, giải đáp pháp luật từ xa phục vụ cho các đối tượng người dân ở miền núi, vùng sâu, vùng xa. Có thể tích hợp nền tảng trí tuệ nhân tạo như trợ lý ảo AI để hỗ trợ công tác tư vấn, trợ giúp, giải đáp. Giải pháp này được bảo đảm khi mục tiêu đến năm 2025 chúng ta phổ cập dịch vụ mạng di động 4G/5G và điện thoại di động thông minh.
7. Thứ bảy, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng số cho đội ngũ làm công tác PBGDPL. Một nền tảng đào tạo trực tuyến dành riêng để đào tạo và đào tạo lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác PBGDPL, sẽ giúp nâng cao năng lực của họ.
Kết luận Phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh ghi nhận và đánh giá cao các đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông. Hy vọng trong thời gian tới các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ TTTT trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.