Chính sách, pháp luật

Một số căn cứ để thực hiện xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước

25/11/2021 10:23 SA

 Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng Nghị định của Chính phủ thay thế Nghị định số 64/2007/NĐ-CP.

Căn cứ để Chính phủ giao nhiệm vụ là do trong 20 năm qua trên chặng đường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính phủ điện tử, Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng nhưng đồng thời cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế cần phải sớm khắc phục để hoàn thiện thể chế, chính sách trong giai đoạn phát triển mới.
Khi chuyển đổi số là xu thế chung của thế giới và cũng là phương thức quan trọng để phát triển đất nước. Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có nội dung: “đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”.Ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ số là nhiệm vụ quan trọng, là nền tảng, dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã xác định rõ các mục tiêu cần đạt được đến năm 2025, trong đó có mục tiêu: cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước.        
Để thực hiện chuyển đổi số nói chung và chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước nói riêng cần phải bắt đầu từ khâu đột phá chiến lược đó là thể chế. Trong nội dung Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, đã xác định nhiệm vụ chủ yếu và đầu tiên, đó là tập trung hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, trong đó có đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Xây dựng các văn bản pháp lý, tạo điều kiện cho phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số cũng được các nước phát triển đặc biệt quan tâm; như Hà Lan, Mỹ, Hàn Quốc đều có những đạo luật riêng cho chính phủ điện tử, chính phủ số. Với bối cảnh trên, việc hoàn thiện thể chế là rất bức thiết, nhằm giải quyết các tồn tại, hạn chế hiện nay và đồng thời thúc đẩy chuyển đổi số của các cơ quan nhà nước trong giai đoạn mới; trong đó, cần phải cập nhật, thay thế hầu hết các nội dung của Nghị định số 64/2007/NĐ-CP, đồng thời bổ sung nhiều nội dung mới. Bản chất là chuyển định hướng từ “ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước” sang “chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước”. Trong đó, môi trường pháp lý phải tạo điều kiện triển khai các định hướng lớn về chuyển đổi số trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính phủ số, cụ thể như:
- Ưu tiên triển khai công nghệ điện toán đám mây;
- Người dùng chỉ cung cấp thông tin một lần cho cơ quan nhà nước;
- Phát triển chính phủ mở;
- Chỉ đạo, điều hành dựa trên dữ liệu và tự động hoá hoạt động của cơ quan nhà nước;
- Kết hợp hài hoà mô hình tập trung và phân tán trong phát triển chính phủ số;
- Xây dựng và phát huy vai trò cơ quan chuyên trách về chuyển đổi số trong các cơ quan nhà nước;
- Xây dựng và triển khai hiệu quả chiến lược phát triển chính phủ số quốc gia và các kế hoạch phát triển chính phủ số 05 năm, hàng năm của bộ, ngành, địa phương;
- Thực hiện giám sát, kiểm tra, thanh tra trực tuyến hoạt động cơ quan nhà nước;
- Phát huy vai trò, trách nhiệm, năng lực của các tổ chức, cá nhân trong cơ quan nhà nước để thực hiện công tác chuyển đổi số; hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức được đưa lên các nền tảng số;
- Cải tiến, thiết kế lại quy trình làm việc của cơ quan nhà nước trong chuyển đổi số.