Ngày 08 tháng 7 năm 2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 953/QĐ-BTTTT ngày 08/7/2021 về việc ban hành Quy chế Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể như sau:
1. Căn cứ xây dựng Quy chế kiểm tra văn bản
Việc xây dựng Quy chế Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông được căn cứ vào các văn bản sau: Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020; Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
2. Nội dung của Quy chế kiểm tra văn bản
Quy chế Quy chế Kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm 13 Điều và kết cấu gồm 4 chương (Chương I. Quy định chung; Chương II: Tự kiểm tra, xử lý văn bản; Chương III: Kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền; Chương IV: Điều khoản thi hành). Nội dung chính của quy chế là làm rõ 02 quy trình nội bộ trong việc kiểm tra, xử lý văn bản là: (1)Tự kiểm tra văn bản và (2) Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền. cụ thể:
* Quy trình tự kiểm tra, xử lý văn bản:
Việc tự kiểm tra được áp dụng với các văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông ngay sau khi được ban hành. Mục đích của việc tự kiểm tra là nhằm giúp Bộ TTTT phát hiện nhanh nhất những nội dung không đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản để có biện pháp xử lý kịp thời ngay tại nơi văn bản được ban hành, từ đó có thể tránh được những hậu quả phát sinh do nội dung trái pháp luật gây ra.
Theo thống kê, hàng năm Vụ Pháp chế đã và đang tiến hành Tự kiểm tra với khoảng 30-45 lượt Thông tư/văn bản do Bộ TTTT ban hành.
Việc ban hành Quy chế này giúp phân định rõ và nâng cao trách nhiệm của Vụ Pháp chế; các cơ quan, đơn vị chủ trì ban hành văn bản và các cơ quan, đơn vị khác có liên quan trong việc tổ chức tự kiểm tra văn bản. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác tự kiểm tra, xử lý văn bản QPPL của Bộ TTTT.
Dự thảo Quy chế làm rõ quy trình tự kiểm tra, xử lý văn bản với các nội dung sau:
- Trách nhiệm của các đơn vị trong việc gửi văn bản và phối hợp trong việc tự kiểm tra văn bản;
- Trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong việc tiếp nhận, phân loại văn bản để thực hiện việc tự kiểm tra văn bản ;
- Trình tự, thủ tục tự kiểm tra và xử lý và công bố kết quả tự kiểm tra, xử lý văn bản.
* Quy trình kiểm tra văn bản theo thẩm quyền
Việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền được tiến hành với các văn bản có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TTTT do Bộ ngành, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp ban hành và gửi về Bộ TTTT. Mục đích của việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền là nhằm đảm bảo nội dung của văn bản đã ban hành phù hợp với pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TTTT, qua đó những nội dung không phù hợp với pháp luật không được phát hiện ở giai đoạn tự kiểm tra sẽ được xem xét, đánh giá lại, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản.
Theo thống kê, hàng năm Vụ Pháp chế đã và đang tiến hành kiểm tra theo thẩm quyền đối với khoảng 60-100 lượt văn bản liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ TTTT do các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các cấp ban hành và gửi về Bộ TTTT.
Việc ban hành quy chế giúp phân định rõ và nâng cao trách nhiệm của Vụ Pháp chế và các cơ quan, và các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc kiểm tra văn bản theo thẩm quyền văn bản. Từ đó, nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền của Bộ TTTT.
Dự thảo Quy chế làm rõ quy trình kiểm tra văn bản theo thẩm quyền với các nội dung sau:
- Trách nhiệm phối hợp của các đơn vị trong việc trong việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền;
- Trách nhiệm của Vụ Pháp chế trong việc kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền;
- Trình tự, thủ tục kiểm tra, xử lý văn bản theo thẩm quyền.