Luật Đất đai 2013 có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2014. Thực hiện Quyết định 548/QĐ-BCĐ năm 2020 về Kế hoạch tổng kết thi hành Luật Đất đai và xây dựng Dự án Luật Đất đai (sửa đổi), trong đó đã phân công cụ thể cho các Bộ, ngành địa phương tiến hành tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành đánh giá và tổng kết một số kết quả đã đạt được trong công tác thi hành Luật Đất đai 2013 như sau:
1. Về phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai
Ngay sau khi Luật Đất đai 2013 được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 22/01/2014 về triển khai thi hành Luật Đất đai yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương có kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư, đặc biệt quan là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện nhiệm vụ này, Bộ TTTT đã triển khai các hoạt động cụ thể như sau:
- Tại công tác giao ban báo chí, hội nghị hội thảo, Bộ TTTT đã chỉ đạo các cơ quan báo chí triển khai xây dựng tin, bài, tài liệu tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai cho phù hợp với các đối tượng ở các địa phương khác nhau cho phù hợp.
- Trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác thông tin, tuyên truyền, Bộ TTTT đã lồng ghép các yêu cầu, chỉ đạo đối với cơ quan báo chí, các đài phát thanh và truyền hình nhằm tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai nhằm mục đích đưa Luật Đất đai đi vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi của người dân, cộng đồng trong việc chấp hành, thực thi pháp luật đất đai theo các chuyên đề cụ thể nhằm góp phần ổn định chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các khu vực vùng sâu, vùng xa và nông thôn. Các nội dung tuyên truyền cần hướng tới các nội dung trọng tâm đã được Chính phủ và Bộ TTTT nêu rõ trong các chương trình hành động, đồng thời, các hình thức, công cụ truyền thônghiệu quả cần thực hiện thường xuyên, đa dạng và linh hoạt để thực sự nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật đất đai.
- Tại các hội nghị tập huấn, phổ biến pháp luật do Bộ TTTT tổ chức đã lồng ghép nâng cao kỹ năng phổ biến, tuyên truyền pháp luật về đất đai cho đội ngũ phóng viên biên tập viên của các cơ quan báo chí, đài phát thanh và truyền hình; tạo ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật đất đai, nâng cao khả năng áp dụng pháp luật đất đai trong hoạt động nghề nghiệp, chuyên môn.
2. Về ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành
Bộ Thông tin và Truyền thông không ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện, triển khai, hướng dẫn Luật đất đai 2013.
3. Kết quả triển khai, thi hành Luật Đất đai liên quan đến công tác quản lý nhà nước của Bộ TTTT
- Qua việc triển khai, chỉ đạo công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật của Bộ TTTT, các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đã được tiếp cận các thông tin, kiến thức pháp luật về đất đai, giúp nâng cao ý thức tôn trọng, chấp hành pháp luật cho mọi người dân, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và đồng bào dân tộc thiểu số; giảm bớt tranh chấp, khiếu kiện trong lĩnh vực đất đai, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương.
- Trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông sau khi các quy định các quy định về đất đai phục vụ cho công trình bưu chính, viễn thông sử dụng vào mục đích công cộng được xác định rõ ràng, cụ thể trong Luật, tạo hành lang pháp lý căn bản cho các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong quá trình đầu tư xây dựng cũng như hoạt động (điểm e, khoản 2, Điều 10 và khoản 2, Điều 54 Luật Đất đai 2013). Đến nay, phần lớn hệ thống điểm phục vụ của mạng bưu chính công cộng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Trên đây là một số kết quả đạt được trong công tác thi hành Luật Đất đai 2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông.