Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Một trong những ý nghĩa của việc ban hành Luật này là có tính răn đe, nhắc nhở nhằm hạn chế những sai phạm có thể phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước. Bài viết dưới đây đưa ra nhận định về một số sai phạm có thể phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính.
Thứ nhất, liên quan đến thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính đã chiếm 5 nhóm vấn đề gồm: (1) Ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; (2) Áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm việc xử lý vi phạm hành chính trái pháp luật; (3) Áp dụng một trong các biện pháp khắc phục hậu quả vi phạm hành chính sau đây trái pháp luật: Buộc tháo dỡ công trình, phần công trình xây dựng không có phép hoặc xây dựng không đúng với giấy phép; Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên hàng hóa, bao bì hàng hóa, phương tiện kinh doanh, vật phẩm; Buộc thu hồi sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng; (4) Áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính trái pháp luật; (5) Áp dụng một trong các biện pháp xử lý hành chính sau đây trái pháp luật: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Đưa vào trường giáo dưỡng; Đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc. Ở nhóm nội dung này liên quan đến nhiều cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ vì xử phạt vi phạm hành chính diễn ra trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong khi đó đối tượng thực thi theo Luật Xử lý vi phạm hành chính hiện nay có hơn 160 chủ thể có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và gắn liền với từng lĩnh vực của quản lý nhà nước có công chức, viên chức là những người tham mưu lập biên bản vi phạm hành chính và thiết lập hồ sơ xử lý vi phạm hành chính …Đây là một trong các nội dung có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước rất cao.
Thứ hai, liên quan đến Luật tố cáo để bảo vệ người tố cáo khi người đó yêu cầu: Đây là nội dung mới phù hợp với quy định pháp luật về tố cáo nhằm nâng cao tinh thần đấu tranh, phát hiện và thực hiện quyền tố cáo của công dân, người tố cáo góp phần vào việc xử lý đúng những hành vi vi phạm pháp luật. Về nội dung này có nguy cơ tiềm ẩn phát sinh yêu cầu bồi thường do khi người tố cáo có yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền thực hiện những biện pháp bảo vệ họ nhưng không được cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng hoặc áp dụng không đúng các biện pháp trên gây ra thiệt hại cho người tố cáo thì Nhà nước có trách nhiệm bồi thường.
Thứ ba, liên quan đến cung cấp thông tin đây là nội dung được bổ sung trong Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 bước đầu nhằm quy định bao quát, dẫn chiếu đến việc người thi hành công vụ thực hiện những hành vi bị cấm theo quy định của Luật tiếp cận thông tin mà gây thiệt hại thì đó là những căn cứ để xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Nội dung này chỉ phát sinh yêu cầu bồi thường khi cơ quan nhà nước cố ý cung cấp thông tin sai lệch mà không đính chính và không cung cấp lại thông tin.
Thứ tư, liên quan pháp luật về đất đai và thực hiện một số thủ tục hành chính: cấp, thu hồi hoặc không cấp các loại giấy tờ, giấy chứng nhận có cách quy định giống nhau về đối tượng; quy định không cấp văn bằng bảo hộ cho đối tượng có đủ điều kiện; các hành vi giao, cho thuê, thu hồi và cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư; cấp hoặc thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đánh giá của đa số cán bộ thực thi pháp luật đây là một trong những lĩnh vực quản lý nhà nước dễ phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước do việc thực thi có nhiều bất cập.
Thứ năm, liên quan đến áp dụng thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; thu thuế, phí, lệ phí trái pháp luật; truy thu thuế, hoàn thuế trái pháp luật; thu tiền sử dụng đất trái pháp luật cụ thể trong từng hành vi của từng khoản mỗi hành vi trên được thực hiện trái pháp luật về lĩnh vực điều chỉnh là thuế, phí và lệ phí. Khoản này cũng quy định bổ sung hành vi “hoàn thuế trái pháp luật” của cán bộ thuế thì nhà nước có trách nhiệm bồi thường, điều này phù hợp với thực tiễn thi hành bởi tính ngăn chặn của quy định này đối với việc có thể xảy ra việc móc nối giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp, người nộp thuế để làm trái quy định của pháp luật về thuế để trục lợi từ tiền của nhà nước.
Thứ sáu, liên quan đến áp dụng thủ tục hải quan, có nghĩa cơ quan nhà nước, người thi hành công vụ trong khi áp dụng các thủ tục về hải quan trái pháp về hải quan gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thì trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được đặt ra.
Thứ bảy, ra quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh trái pháp luật; cấp văn bằng bảo hộ nội dung này yêu cầu người có thẩm quyền phải xem xét, đối chiếu vào những đối tượng, người có đủ điều kiện được cấp hay không cấp văn bằng bảo hộ nhưng người thi hành công vụ không xem xét hoặc cố tình không xem xét hoặc do trình độ pháp luật không đáp ứng mà tiến hành cấp cho người mà theo các điều kiện không đủ để được cấp, được bảo hộ theo quy định của pháp luật sẽ làm phát sinh yêu cầu bồi thường nhà nước.
Thứ tám, ra quyết định xử lý kỷ luật buộc thôi việc đối với công chức giữ chức vụ từ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống trái pháp luật đây là nội dung mới để phù hợp với nội dung Luật Khiếu nại năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính đã mở rộng phạm vi khiếu nại và phạm vi khởi kiện vụ án hành chính, trong đó, bao gồm cả “quyết định kỷ luật buộc thôi việc công chức giữ chức vụ Tổng cục trưởng và tương đương trở xuống bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc trái pháp luật” (Khoản 2 Điều 30 Luật Tố tụng hành chính năm 2015).