Phổ biến giáo dục pháp luật

Một số kết quả đạt được trong công tác thi hành Luật Trách bồi thường Nhà nước năm 2017 tại Bộ Thông tin và Truyền thông

06/10/2021 15:32 CH

 Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14, Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018, đến nay là hơn 3 năm. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về báo chí; xuất bản, in, phát hành; bưu chính; viễn thông…trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai công tác thi hành Luật Trách bồi thường Nhà nước năm 2017 và đã đạt được những kết quả đáng kể, cụ thể”

* Công tác xây dựng, rà soát các văn bản có liên quan đến Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước năm 2017
Về rà soát các văn bản có liên quan đến Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước năm 2017, thực hiện yêu cầu tại công văn số 1051/BTP-BTNN ngày 30/3/2018 của Bộ Tư pháp về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Bộ Thông tin và Truyền thông đã tiến hành rà soát tất cả các văn bản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của mình, tổng hợp và gửi kết quả rà soát về Bộ Tư Pháp tại công văn số 1233/BTTTT-PC ngày 24/04/2018 về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2017.
Về việc xây dựng các văn bản có liên quan đến Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước năm 2017, Bộ Thông tin và Truyền thông không ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước năm 2017, tuy nhiên, trong quá trình thực hiện quản lý nhà nước của mình, Bộ đã tham gia đóng góp ý kiến đối với Nghị định số 68/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp hỗ trợ; Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước và quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp; Thông tư số 04/2018/TT-BTP 17/05/2018 Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước.
Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông đều gửi báo cáo 6 tháng, báo cáo năm và các số liệu tổng hợp, thống kê về công tác bồi thường Nhà nước tại Bộ Thông tin và Truyền thông về Bộ Tư pháp để xây dựng báo cáo trình Chính phủ. 
*Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Trách nhiệm Bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản thi hành
Ngay sau khi Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 3 thông qua ngày 20/6/2017, Bộ Thông tin và Truyền thông với chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, thông qua các buổi giao ban báo chí (được tổ chức định kỳ hàng tuần) đã chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí thực hiện chức năng tuyên truyền phổ biến các nội dung cơ bản của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 cũng như nội dung cơ bản của các văn bản hướng dẫn thi hành, bảo đảm thực thi đúng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn cũng như trách nhiệm được quy định tại Quyết định số 1269/QĐ-TTg ngày 25/08/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Bộ cũng đã tổ chức triển khai, quán triệt đến toàn thể cán bộ công chức, viên chức ngành về nội dung Luật và các văn bản có liên quan (Nghị định 68/2018/NĐ-CP ngày 15/05/2018 hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Thông tư số 08/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 quy định biện pháp hỗ trợ; Thông tư số 09/2019/TT-BTP ngày 10/12/2019 hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường nhà nước và quy định biện pháp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước của Bộ Tư pháp; Thông tư số 04/2018/TT-BTP 17/05/2018 Bộ Tư pháp ban hành một số biểu mẫu trong công tác bồi thường nhà nước) bằng nhiều hình thức như: thông qua mô hình sinh hoạt ngày pháp luật định kỳ; tại các cuộc họp, hội nghị cán bộ, công chức, viên chức; cuộc họp chi bộ, thực hiện thông tin trên trang web của Bộ, trên mạng nội bộ, tủ sách pháp luật cơ quan... Ngay sau khi Luật và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành được ban hành, Vụ Pháp chế đã gửi toàn văn các văn bản đến các cán bộ, công chức thuộc Bộ (qua mạng nội bộ của Bộ - vanban.mic.gov.vn) để các cán bộ, công chức thuộc Bộ cập nhật, nghiên cứu.
          Để các đơn vị và cán bộ công chức trong ngành và nhân dân quán triệt được nội dung cơ bản của Luật, Bộ đã chỉ đạo việc đăng tải, giới thiệu nội dung Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành trên Trang thông tin điện tử của Bộ và trên một số cơ quan báo chí, đài phát thanh, truyền hình. Bộ cũng đã quán triệt và chỉ đạo thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, đặc biệt là các đơn vị được giao thực hiện các nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, phải quán triệt Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 đến từng cán bộ, công chức trong đơn vị mình, bảo đảm thực thi tốt trong hoạt động của cơ quan, đơn vị; đồng thời yêu cầu các đơn vị định kỳ báo cáo tình hình thực thi và các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực thi, kèm các đề xuất kiến nghị (nếu có). Trong nhiều buổi hợp giao ban, Lãnh đạo Bộ đã yêu cầu các đơn vị báo cáo tình hình thực thi và các khó khăn, vướng mắc để bàn bạc, giải quyết.
Lãnh đạo Bộ đã giao Vụ Pháp chế nghiên cứu nội dung của Luật, xây dựng đề cương tuyền truyền cho các đơn vị thuộc Bộ, các cán bộ, công chức cũng như các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực Thông tin và Truyền thông; Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành đã được đến các cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ để nghiên cứu, tổ chức triển khai phổ biến.
Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đều đã tiến hành tổ chức nghiên cứu các nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình, phối hợp với Vụ Pháp chế để phổ biến nội dung của Luật cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cán bộ, công chức cũng như các đối tượng thuộc phạm vi quản lý nhà nước của mình; đã kết hợp việc tuyên truyền nội dung của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành với việc nâng cao tinh thần, trách nhiệm công vụ, việc thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của hệ thống pháp luật, của ngành cũng như của cơ quan đối với các cán bộ, công chức.
*Về bố trí nhân sự và công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước
          Về công tác bố trí nhân sự, kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường. Bộ đã chỉ đạo đã xây dựng kế hoạch kiện toàn tổ chức bộ máy và biên chế thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường để trình Lãnh đạo Bộ xem xét, phê duyệt để triển khai thực hiện.
Hiện nay, tại Vụ Pháp chế và một số cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đã phân công 01 lãnh đạo và 01 chuyên viên kiêm nhiệm nhiệm vụ theo dõi, quản lý về công tác bồi thường của nhà nước thuộc lĩnh vực ngành thông tin và truyền thông. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác này đều có trình độ chuyên môn sâu về lĩnh vực quản lý nhà nước của cơ quan, đơn vị và có kiến thức pháp luật vững vàng, tuy nhiên một số kỹ năng thực hiện công tác bồi thường của nhà nước còn thiếu và yếu, nhất là các kỹ năng về thương lượng, đàm phán. Bộ đã giao Vụ Pháp chế xây dựng kế hoạch để phối hợp với các cơ quan hữu quan của Bộ Tư pháp tiến hành các giải pháp phù hợp để nâng cao các kỹ năng cũng như trình độ, kinh nghiệm liên quan về công tác này thời gian tới.
* Đánh giá chung về kết quả đạt được
          Nhìn chung, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành đã thực sự đi vào trong các mặt hoạt động của các cán bộ, công chức Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình; qua nghiên cứu, tiếp thu các quy định của pháp luật về công tác này, các cán bộ, công chức Bộ Thông tin và Truyền thông đã chú trọng việc nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của mình để đảm bảo việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quyền hạn đúng theo các quy định của pháp luật. Các cán bộ, công chức Bộ Thông tin và Truyền thông được giao thực hiện chức năng quản lý về công tác này đã chú trọng việc kiểm tra, giám sát các hoạt động trong phạm vi trách nhiệm hoặc có liên quan, để phòng ngừa các hành vi vi phạm pháp luật có khả năng dẫn tới trách nhiệm bồi thường của cơ quan đơn vị và bồi hoàn của cán bộ, công chức. Để triển khai thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 được kịp thời và toàn diện luôn có sự ủng hộ nhiệt tình của các cấp ủy Đảng và lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ trong suốt quá trình từ nghiên cứu xây dựng kế hoạch đến các bước triển khai thực hiện cũng như sự giúp đỡ nhiệt tình của các cơ quan của Bộ Tư pháp, đặc biệt là Cục Bồi thường nhà nước.
Qua 03 năm triển khai thực hiện Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tại cơ quan, đơn vị bước đầu góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ công chức, viên chức thực thi công vụ được giao, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Mặc dù, ở một số đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đang thực hiện thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, công dân trong các lĩnh vực như: cấp, đổi các loại phép viễn thông, tiếp nhận đăng ký tên miền, cấp phép báo chí, xuất bản, thông tin điện tử, trò chơi trực tuyến (online game)... đồng thời tiến hành công tác thanh kiểm tra các hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực thông tin và truyền thông... tuy nhiên, các hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức của Bộ cơ bản đáp ứng yêu cầu đề ra, chấp hành đúng chủ trương, đường lối, pháp luật của Nhà nước; theo đó kết quả cho thấy từ ngày 01/7/2018 đến nay, tại cơ quan Bộ Thông tin và Truyền thông chưa phát sinh vụ việc yêu cầu giải quyết bồi thường của nhà nước của tổ chức, cá nhân nào.