Phổ biến giáo dục pháp luật

Nhận định một số nguyên nhân của những những hạn chế, vướng mắc việc triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017

01/10/2021 15:29 CH

 Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Bên cạnh những kết rõ rệt quả đã đạt được, việc triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 còn một số hạn chế, vướng mắc trong công tác giải quyết bồi thường và trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước. Nguyên nhân của những những hạn chế, vướng mắc đó là:

* Nguyên nhân chủ quan
Thứ nhất, việc triển khai các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về công tác bồi thường nhà nước của một số cơ quan, địa phương tới các đơn vị cấp dưới còn mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm đến hiệu quả của hoạt động triển khai; đội ngũ công chức làm công tác bồi thường nhà nước chủ yếu là kiêm nhiệm, không ổn định, chuyên sâu vì luôn bị thay đổi, chưa có đủ kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước nên còn lúng túng, khó khăn trong thực thi nhiệm vụ.
Thứ hai, nhiều Sở Tư pháp chưa thực sự phát huy được vai trò trong thực hiện nhiệm vụ giúp Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện toàn diện các nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước tại địa phương theo quy định tại khoản 3 Điều 73 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Thứ ba, một số địa phương, công chức thuộc Sở Tư pháp được giao đầu mối thực hiện quản lý nhà nước về công tác bồi thường vẫn còn tư tưởng phụ thuộc vào cơ quan Trung ương, đặc biệt là chưa chủ động, tích cực tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ đối với các vụ việc thuộc trách nhiệm của mình tại địa phương mà hầu hết các vụ việc đều xin ý kiến Bộ Tư pháp. Thực trạng này dẫn đến tình trạng nhiều vụ việc giải quyết bồi thường tại địa phương bị kéo dài.
Thứ tư, việc bố trí kinh phí phục vụ thực hiện công tác bồi thường nhà nước còn hạn chế, chưa bảo đảm cho việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
*Nguyên nhân khách quan
Thứ nhất, lĩnh vực pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước là một lĩnh vực khó và liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, đòi hỏi cao về kinh nghiệm thực tế giải quyết bồi thường, xác minh thiệt hại và thương lượng của người làm công tác bồi thường nhà nước. Bên cạnh đó, hoạt động giải quyết bồi thường, hướng dẫn nghiệp vụ giải quyết bồi thường, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất ý kiến với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan để đảm bảo tính khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn nên mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước.
Thứ hai, các vụ việc yêu cầu bồi thường, nhất là yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự thường liên quan đến nhiều cơ quan tố tụng, vụ việc xảy ra đã lâu nên tài liệu, hồ sơ về vụ việc không được đầy đủ. Bên cạnh đó, vẫn còn cách hiểu về các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại của Nhà nước chưa chặt chẽ, thống nhất nên gây ra nhiều quan điểm khác nhau trong việc xác định cơ quan giải quyết yêu cầu bồi thường.