Quốc hội ban hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước số 10/2017/QH14, là cơ sở pháp lý cao nhất thể chế hóa về bồi thường thiệt hại do người thi hành công vụ gây ra trong hoạt động hoạt động quản lý hành chính, tố tụng và thi hành án. Bên cạnh những kết rõ rệt quả đã đạt được, việc triển khai Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 còn một số hạn chế, vướng mắc sau:
* Trong công tác giải quyết bồi thường
Thứ nhất, cơ quan giải quyết bồi thường chưa thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện thụ lý vụ việc yêu cầu bồi thường, cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ không thực hiện đúng thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật , xác định thiệt hại, án phí, lệ phí đối với nội dung yêu cầu bồi thường cũng như hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường của mình. Còn một số trường hợp người bị thiệt hại đủ căn cứ yêu cầu bồi thường nhưng không được cơ quan giải quyết bồi thường thụ lý, giải quyết, chỉ khi cơ quan quản lý nhà nước kiểm tra, đôn đốc thì vụ việc mới được thụ lý, giải quyết theo quy định của pháp luật .
Thứ hai, một số trường hợp văn bản giải quyết bồi thường quyết định nội dung thiệt hại không được Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước quy định (Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Điều 52 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017 tuyên phần lãi suất chậm trả đối với số tiền nhà nước bồi thường cho người bị thiệt hại) nên không được cơ quan tài chính cấp kinh phí để chi trả cho người bị thiệt hại.
Thứ ba, người bị thiệt hại chưa hợp tác với cơ quan giải quyết bồi thường. Còn một số vụ việc giải quyết bồi thường phải đưa vào báo cáo theo dõi từ năm này sang năm khác, mặc dù đã giải quyết xong, được cơ quan tài chính cấp tiền bồi thường thiệt hại nhưng người bị thiệt hại không nhận tiền vì lý do cơ quan nhà nước chưa giải quyết các yêu cầu khác .
Thứ tư, đa số các cơ quan giải quyết bồi thường chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc quy định về trách nhiệm gửi các văn bản trong quá trình giải quyết yêu cầu bồi thường và xem xét trách nhiệm hoàn trả cho cơ quan quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước theo quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, việc xem xét trách nhiệm hoàn trả và thực hiện hoàn trả chưa được các cơ quan giải quyết bồi thường thực hiện kịp thời.
*Trong quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước
Thứ nhất, công tác phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền khi thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác bồi thường nhà nước có lúc, có nơi chưa có sự chủ động, thường xuyên, đặc biệt là phối hợp trong việc nắm bắt thông tin về công tác bồi thường nhà nước, vẫn còn vụ việc bị kéo dài thời gian giải quyết do khó khăn trong việc thống nhất ý kiến về hướng dẫn nghiệp vụ, giải đáp pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước .
Thứ hai, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, công tác theo dõi, đôn đốc, kiểm tra công tác bồi thường, cung cấp thông tin, hỗ trợ, hướng dẫn người bị thiệt hại thực hiện thủ tục yêu cầu bồi thường chưa được thực hiện rộng khắp tại các địa phương trên phạm vi cả nước. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước gặp khó khăn trong việc đánh giá đầy đủ, chính xác về cơ chế bồi thường nhà nước đã được vận hành như thế nào trong cuộc sống, để từ đó tham mưu, đưa ra giải pháp quản lý nhà nước, giải pháp tiếp tục triển khai thi hành Luật.
Thứ ba, công tác hướng dẫn kỹ năng, nghiệp vụ công tác bồi thường nhà nước tại các địa phương còn lúng túng, nhất là đối với một số vụ việc mới phát sinh theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2017. Các lớp tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ chuyên sâu về công tác bồi thường nhà nước tổ chức cho lãnh đạo và công chức thực hiện công tác bồi thường nhà nước còn hạn chế về số lượng.