Nghị định gồm 08 chương và 26 Điều quy định cơ chế quản lý tài chính dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cụ thể: (1) Quy định chung; (2) Phương án tài chính của dự án PPP; (3) Nguồn vốn thực hiện dự án PPP của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP; (4) Quản lý, sử dụng, thanh toán vốn nhà nước trong thực hiện dự án PPP; (5) Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng; (6) Chia sẻ phần doanh thu tăng, giảm; (7) Chế độ báo cáo; (8) Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức cá nhân; (9) Điều khoản thi hành trong đó có những điểm mới cần lưu ý như sau:
1. Về phương án tài chính của dự án PPP
Về phương án tài chính của dự án PPP, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP quy định nguyên tắc phương án tài chính của dự án PPP phải phản ánh đầy đủ các khoản chi phí và nguồn thu hợp pháp theo quy định trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện và vận hành của dự án PPP.
Phương án tài chính gồm 08 nội dung (tổng mức đầu tư dự án; các nguồn vốn thực hiện dự án; đề xuất ưu đãi, bảo đảm nếu có; lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu; dựkiến các khoản chi phí trong giai đoạn vận hành; phương án thu hồi vốn đầu tư, lợi nhuận của nhà đầu tư; các khoản nộp ngân sách nhà nước nếu có đối với các dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng O&M; các chỉ tiêu phân tích, đánh giá tính khả thi tài chính của dự án) được kế thừa trên cơ sở các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Về nguồn vốn thực hiện dự án PPP
Theo Nghị định số 28/2021/NĐ-CP, nguồn vốn thực hiện dự án PPP của nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP bao gồm: vốn chủ sở hữu, vốn huy động của nhà đầu tư, trong đó, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư tham gia thực hiện dự án PPP là vốn chủ sở hữu của pháp nhân độc lập hoặc liên danh các pháp nhân độc lập thực tế góp vốn theo điều lệ của doanh nghiệp dự án PPP và phù hợp với quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Nguồn vốn vay, nguồn vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các nguồn vốn hợp pháp khác tính đến thời điểm đàm phán hợp đồng dự án được xác định trên cơ sở cam kết hoặc thoả thuận bằng văn bản giữa bên cho vay, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP. Tổng số vốn cam kết cung cấp của bên cho vay vốn, nhà đầu tư mua trái phiếu hoặc tổ chức bảo lãnh phát hành trái phiếu tối thiểu bằng mức vốn nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án PPP phải huy động.
Tổng số vốn vay, bao gồm vốn huy động từ phát hành trái phiếu doanh nghiệp và các hình thức vay vốn khác (nếu có) không vượt quá tổng số vốn vay theo quy định tại hợp đồng dự án PPP.
Về nguồn vốn thực hiện dự án PPP có bổ sung nội dung mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp dự án PPP theo quy định của Luật PPP gồm các nội dung về: điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đối tượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phương án phát hành trái phiếu doanh nghiệp, chế độ công bố thông tin phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nghĩa vụ của các bên liên quan đối với nhà đầu tư trái phiếu khi hợp đồng PPP chấm dứt trước thời hạn theo quy định tại Điều 52 Luật PPP. Doanh nghiệp dự án PPP chỉ được phát hành trái phiếu không chuyển đổi riêng lẻ, trái phiếu không kèm chứng quyền riêng lẻ sau khi đã ký kết hợp đồng dự án PPP. Việc phát hành trái phiếu phải tuân thủ quy định của pháp luật về PPP, quy định tại Nghị định của Chính phủ về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ).
Ngoài ra, để đảm bảo vốn chủ sở hữu của Nhà đầu tư thực hiện dự án tại thời điểm ký kết hợp đồng, Nghị định bổ sung quy định tại thời điểm ký kết hợp đồng dự án Nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm gửi cơ quan ký kết hợp đồng, doanh nghiệp dự án PPP phương án đảm bảo huy động vốn chủ sở hữu và các tài liệu chứng minh đảm bảo yêu cầu về vốn chủ sở hữu làm cơ sở để giám sát việc huy động vốn của doanh nghiệp dự án.
3. Về quản lý, sử dụng, thanh toán vốn nhà nước trong thực hiện dự án PPP:
Nghị định quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng, nguyên tác kiểm soát thanh toán vốn nhà nước hỗ trợ cho dự án PPP và Hồ sơ đề nghị thanh toán vốn nhà nước hỗ trợ. Vốn nhà nước hỗ trợ được thanh toán trên cơ sở phạm vi kế hoạch vốn, dự toán được cấp có thẩm quyền giao kế hoạch. Đối với vốn đầu tư công được thanh toán trên cơ sở cơ quan quản lý phần vốn nhà nước xác nhận khối lượng hoàn thành và theo tỷ lệ, tiến độ, điều kiện trong hợp đồng dự án, phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao; vốn nhà nước thanh toán định kỳ cho các hợp đồng Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ (BTL), hợp đồng BLT trên cơ sở khối lượng, chất lượng sản phẩm, dịch vụ công được cung cấp và phù hợp với kế hoạch vốn, dự toán hàng năm được giao.
Về quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Quyết toán niên độ ngân sách theo năm ngân sách được dẫn chiếu thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước, đầu tư công.
Quyết toán vốn đầu tư công trình, hệ thống cơ sở hạ tầng: Đây là nội dung mới, thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 60 Luật PPP. Sau khi hoàn thành công trình cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án thoả thuận lựa chọn cơ quan kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình. Giá trị quyết toán này được xác định căn cứ hợp đồng dự án đã ký. Cơ quan ký kết hợp đồng và doanh nghiệp dự án thoả thuận lựa chọn tổ chức kiểm toán độc lập để thực hiện kiểm toán vốn đầu tư xây dựng công trình.
Riêng đối với các dự án đầu tư theo phương thức PPP có bàn giao công trình, giá trị quyết toán trên cơ sở báo cáo kiểm toán nhà nước.
4. Về cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu:
Đây là nội dung mới, đảm bảo việc chia sẻ giữa nhà nước và doanh nghiệp dự án trong trường doanh thu dự án có biến động lớn theo quy định tại Điều 82 Luật PPP, cụ thể, về cơ chế chia sẻ, Khi doanh thu thực tế cao hơn 125% doanh thu trong phương án tài chính, doanh nghiệp dự án chia sẻ nhà nước 50% số chênh lệch tăng vượt quá mức 125% này (sau khi đã điều chỉnh mức giá phí dịch vụ (giảm), điều chỉnh thời gian hợp đồng (giảm) và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần tăng doanh thu) và khi doanh thu thực tế thấp hơn 75% mức doanh thu trong phương án tài chính, Nhà nước chia sẻ 50% phần chênh lệch giữa mức 75% này và doanh thu thực tế (sau khi đã điều chỉnh tăng giá, phí, tăng thời gian hợp đồng song vẫn chưa đảm bảo đạt mức 75% doanh thu theo phương án tài chính và được Kiểm toán nhà nước kiểm toán phần giảm doanh thu). Nghị định quy định cụ thể, đối với doanh nghiệp dự án PPP, phần tăng doanh thu mà doanh nghiệp dự án PPP chia sẻ với Nhà nước được tính là khoản giảm trực tiếp vào doanh thu khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp dự án PPP. Doanh nghiệp nộp phần doanh thu tăng mà doanh nghiệp chia sẻ với Nhà nước vào ngân sách Nhà nước theo quy định. Phần doanh thu giảm mà Nhà nước chia sẻ với doanh nghiệp được tính là khoản doanh thu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công của doanh nghiệp dự án PPP.
Về chia sẻ doanh thu của Nhà nước: Từ nguồn dự phòng ngân sách các cấp, cụ thể, dự án do Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác sử dụng nguồn dự phòng ngân sách trung ương; Dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư từ nguồn dự phòng ngân sách địa phương.
Về thời hạn thực hiện chia sẻ, doanh nghiệp dự án có trách nhiệm nộp ngân sách nhà nước trong thời hạn 60 ngày kể từ thời điểm kiểm toán nhà nước ban hành báo cáo kiểm toán xác nhận phần doanh thu tăng và Cấp có thẩm quyền có trách nhiệm quyết định sử dụng dự phòng để thanh toán phần chia sẻ doanh thu giảm trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày cơ quan tài chính nhận đủ Hồ sơ.
Ngoài ra, nội dung dự thảo Nghị định còn quy định về chế độ báo cáo, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, tổ chức cá nhân, và điều khoản thi hành.
Nghị định số 28/2021/NĐ-CP áp dụng đối với các bên trong hợp đồng dự án PPP; cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đầu tư PPP.
Nghị định 28/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 26/3/2021.