Chung

Phương thức hòa giải và trọng tài trực tuyến (ODR)

23/03/2021 15:59 CH

Về việc quản lý nhà nước, tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 13/04/2020, Thủ tướng đã đưa ra yêu cầu về việc thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia đưa Việt Nam trở thành quốc gia số; xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số thông qua hoạt động chuyển đổi số toàn diện, phát triển nền kinh tế số, hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực cạnh tranh toàn cầu; cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy khởi nghiệp, sáng tạo, tham gia hiệu quả vào cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu[1]. Nhiều chính sách, quy đinh pháp luật liên quan đến hoạt động của nền kinh tế số đã đưa ra thảo luận, sửa đổi và ban hành thời gian qua cũng đang tạo tiền đề quan trọng cho các hoạt động chuyển đổi số tại các cơ quan, doanh nghiệp[2].

Về chiến lược phát triển đất nước, Bộ Chính chị tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/09/2019 về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đã đưa ra muc tiêu “…Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP (đến năm 2030 đạt trên 30%); năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm…[3]
Việc xây dựng và phát triển nền tảng ODR tại Việt Nam đóng góp tích cực vào việc phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam. Với tư cách là cơ quan tài phán tham gia hòa giải và trọng tài các giao dịch trên môi trường số ODR sẽ giúp đảm bảo môi trường pháp lý trên mạng internet được tốt hơn cho các chủ thể tham gia các hoạt động kinh tế số, qua đó niềm tin của người dân vào việc tham gia các hoạt động trên môi trường mạng sẽ được tốt hơn.
1. ODR là gì
a. Cơ chế hoạt động của hệ thống ODR
Hệ thống ODR là hệ thống phần mềm được các tổ chức ODR xây dựng nhằm cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các bên khi có tranh chấp phát sinh, đặc biệt phù hợp cho các tranh chấp TMĐT, tranh chấp tiêu dùng giá trị nhỏ và các tranh chấp dân sự, kinh tế khác mà các bên có sự xa cách về mặt địa lý. Có thể thấy rằng, tùy theo chức năng và phạm vi hoạt động của từng tổ chức ODR, hệ thống ODR sẽ cho phép các bên thực hiện thủ tục giải quyết vụ việc tranh chấp của mình bằng một, hai hay cả ba phương thức sau:
(i)      Thương lượng trực tuyến giữa các bên tranh chấp;
(ii)     Hòa giải vụ việc tranh chấp trực tuyến giữa các bên với sự tham gia của hòa giải viên thuộc tổ chức ODR;
(iii)    Xét xử vụ việc theo thủ tục trọng tài trực tuyến nếu tổ chức ODR có chức năng hoạt động trọng tài.
Trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp trực tuyến trên hệ thống ODR sẽ phụ thuộc chặt chẽ vào quy định pháp luật tại từng nước, tuy nhiên có thể thấy rằng, nhờ có sự hỗ trợ của công nghệ thông tin và truyền thông mà các thủ tục này được thực hiện rất nhanh chóng và thuận tiện. Khi so sánh với việc giải quyết tranh chấp truyền thống thì việc giải quyết tranh chấp trực tuyến tại tổ chức ODR sẽ có những ưu điểm như sau:
Trước hết, hệ thống giải quyết tranh chấp ODR cho phép các bên có thể thực hiện được toàn bộ quá trình xử lý vụ việc từ nộp đơn yêu cầu xét xử, nộp tài liệu, bằng chứng; liên lạc giữa tổ chức ODR với các bên tranh chấp và giữa các bên tranh chấp với nhau; đến tổ chức phiên họp hòa giải, trọng tài giữa các bên; ra biên bản hòa giải, quyết định trọng tài,… trên nền tảng ODR online mà các bên được cấp quyền truy cập. Việc ứng dụng công nghệ vào các bước, tiến trình và thủ tục giải quyết tranh chấp như vậy giúp cho việc giải quyết vụ việc tranh chấp trở nên rất thuận tiện, thúc đẩy tiến trình giải quyết vụ việc nhanh và hiệu quả hơn rất nhiều so với phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống tại tòa án.
Hiện nay, với sự phát triển của công nghệ thì việc kiểm tra, xác thực dữ liệu, tài liệu phục vụ giải quyết tranh chấp có thể được công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hỗ trợ xử lý nên việc kiểm tra, xem xét tài liệu, chứng cứ của các bên nộp cho tổ chức ODR cũng sẽ được công nghệ hỗ trợ rất nhiều. Đối với những tài liệu cần xác minh, xác thực thêm thì tổ chức ODR có thể yêu cầu các bên tranh chấp cung cấp bản gốc, bản sao chứng thực hoặc thực hiện ký chữ ký số vào tài liệu đó để xác nhận, chịu trách nhiệm pháp lý. Bên cạnh đó, các giao dịch trên mạng internet luôn bắt buộc phải sử dụng dịch vụ của đơn vị cung cấp hạ tầng mạng, dịch vụ internet, như đơn vị cung cấp server, hosting, mail services, dịch vụ sàn TMĐT,… nên các giao dịch này đều có thể lưu vết dữ liệu, có thể làm nguồn kiểm tra, xác thực giúp các tổ chức ODR thực hiện việc giải quyết tranh chấp hiệu quả. 
Thêm vào đó, hệ thống ODR cũng cho phép các bên tranh chấp có thể gặp nhau trực tuyến để trao đổi thương lượng, hòa giải, xét xử trọng tài theo hình thức text communication (trao đổi tin nhắn, chat) hoặc video conference (họp trực tuyến) rất tiện lợi, giúp đẩy nhanh được tốc độ giải quyết vụ việc tranh chấp cho các bên. Một điểm đáng chú ý là hệ thống ODR cũng cung cấp thêm các chức năng hỗ trợ quản lý vụ việc tranh chấp như nhắc nhở các bên thực hiện các công việc theo yêu cầu, đảm bảo tiến trình và thủ tục tố tụng được các bên thực hiện đúng thời gian và quy định pháp luật, kết nối đến các hệ thống tư pháp khác của nhà nước để các bên có thể sử dụng (nếu cần).
Ưu điểm thứ hai của việc giải quyết tranh chấp trực tuyến này là chi phí giải quyết vụ việc. Do có thể thực hiện toàn bộ thủ tục giải quyết tranh chấp qua mạng internet nên mức phí dịch vụ hòa giải hay trọng tài trực tuyến của các tổ chức ODR khá thấp so với các phương thức giải quyết tranh chấp truyền thống. Hiện nay, phần lớn các vụ việc tranh chấp TMĐT diễn ra trên các website, ứng dụng TMĐT mà ở đó các bên buộc phải tuân theo các quy định, tiêu chuẩn trong mua bán, giao dịch do tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT quy định phù hợp với quy định pháp luật chẳng hạn như các quy định về đổi trả hàng, hoàn tiền,..vv. Do đó việc xử lý các vụ việc tranh chấp phát sinh tại đây cũng trở nên dễ dàng hơn khi các phương án giải quyết vụ việc tranh chấp có những tình huống quy định sẵn mà các bên đã nhất trí từ đầu theo các quy định của sàn TMĐT. Trong trường hợp có phát sinh tranh chấp tại đây, tổ chức ODR sẽ là cơ quan độc lập được sàn TMĐT chỉ định hoặc các bên lựa chọn có thẩm quyền xem xét vụ việc và đưa ra quyết định áp dụng tình huống xử lý nào đã được định sẵn hay quyết định khác để giải quyết vụ việc nhanh trong thời gian nhất định theo sự thống nhất của các bên và quy định của tổ chức ODR. 
Ưu điểm thức ba, hệ thống ODR có thể phát triển và tích hợp thêm các công nghệ hiện đại để trở nên thông minh và có khả năng tự xử lý các tranh chấp đơn giản để giúp giải quyết một số lượng lớn các vụ việc tranh chấp TMĐT giá trị nhỏ. Hiện nay các công nghệ nhận dạng hình ảnh, phân tích tính nguyên gốc của dữ liệu, tài liệu; công nghệ khóa an toàn bằng chứng thư số hay công nghệ chuỗi khối (blockchain) để đảm bảo tính toàn vẹn của dữ liệu gốc; công nghệ học sâu (deep learning) và trí tuệ nhân tạo (AI) có thể được ứng dụng vào các hệ thống ODR để giúp hòa giải viên, trọng tài viên thuận lợi hơn trong việc kiểm tra, xác minh dữ liệu, tài liệu, bằng chứng vụ việc được các bên cung cấp khi đưa ra ý kiến, phán quyết. Thậm chí, hiện có nhiều tổ chức ODR đã sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) với khả năng tự học hỏi để tự giải quyết được rất nhiều các vụ việc tranh chấp TMĐT nhỏ mà không cần đến việc can thiệp của con người . Có thể thấy rằng, bằng việc ứng dụng, tích hợp thêm các công nghệ mới này vào hệ thống ODR của mình, các tổ chức ODR cũng chính là đơn vị tham gia thúc đẩy phát triển công nghệ và giúp tăng cường môi trường pháp lý lành mạnh cho các hoạt động mua bán, giao dịch trên mạng internet ngày một thuận tiện, minh bạch, mang lại nhiều lợi ích cho người dân.
2. ODR hỗ trợ và đóng góp gì
a. Thúc đẩy thương mại điện tử phát triển
Theo Báo cáo của Statista.com thì giá trị giao dịch TMĐT năm 2020 là 4.206 tỷ USD, tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2019[4] và số lương người tham gia mua bán hàng trên mạng internet là vào khoảng 1,9 tỷ người. Tại Việt Nam, tốc độ tăng trưởng của ngành TMĐT Việt Nam trong năm 2020 cũng khá ấn tưởng, với mức tăng trưởng 30% so với năm 2019 và tổng giá trị TMĐT năm 2020 là hơn 15 tỷ USD, theo một báo cáo chưa đầy đủ của Bộ Công Thương và Hiệp hội TMĐT Việt Nam[5]. Trong giao dịch TMĐT, trừ các trường hợp tranh chấp do yếu tố lừa đảo, tội phạm mạng thì chắc chắn bên bán và bên mua đều không muốn xẩy ra tranh chấp, tuy nhiên, những sự cố phát sinh tranh chấp lại chiếm đến từ 2-5% số lượng giao dịch TMĐT, theo một thống kê của Emarkerter.com[6]. Theo nghiên cứu của Ethan Katsh & Colin Rule, thì chỉ trong năm 2016, số lượng vụ việc tranh chấp là 821,2 triệu vụ, còn năm 2017 có khoảng 942,8 triệu vụ việc[7], nếu tính về số lương giao dịch TMĐT thì hàng ngày có đến trên 120 triệu giao dịch TMĐT được thực hiện như vậy số lượng vụ việc tranh chấp TMĐT cũng rất lớn[8].
Như đã nêu ở trên, số lượng giao dịch TMĐT ngày càng tăng thì số lượng tranh chấp TMĐT cũng tăng theo rất nhanh. Hầu hết các giao dịch TMĐT có giá trị nhỏ và các bên đều mong muốn được thuận tiện khi giao dịch qua mạng internet, do đó, các tranh chấp phát sinh (nếu có) cũng được các bên mong muốn xử lý theo hướng nhanh và thuận tiện nhất để bảo đảm quyền lợi cho mình. Chính vì vậy, phương thức giải quyết tranh chấp tại tòa án như hiện nay ở Việt Nam, một mặt chưa thể thực hiện được trực tuyến như nhiều nước khác trên thế giới, mặt khác theo quy định pháp luật hiện hành, trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp khá phức tạp, kéo dài và tốn kém, nên chắc chắn cũng không phù hợp để giải quyết các tranh chấp TMĐT. Do đó, để đảm bảo môi trường pháp lý hữu hiệu cho hoạt động TMĐT phát triển thì chúng ta cần khuyến khích và tạo điều kiện để phát triển các tổ chức ODR tại Việt Nam.
Tham khảo kinh nghiệm từ Liên minh Châu Âu: Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Châu Âu đã đưa ra Chỉ thị số 2013/11/EU ngày 21/05/2013 về cơ chế giải quyết thay thế cho các tranh chấp tiêu dùng và Quy định số 524/2013/EU ngày 21/05/2013 về biện pháp giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các tranh chấp tiêu dùng, EU yêu cầu bắt buộc các thương nhân thành lập tại đây khi tham gia bán hàng hóa hoặc dịch vụ cho khách hàng tiêu dùng trên mạng internet phải thông báo cho khách hàng của mình biết về tổ chức sẽ thực hiện việc giải quyết tranh chấp (nếu có) và nội dung này phải được thể hiện rõ ràng trên website; trong nội dung điều khoản hợp đồng cung cấp hàng hóa, dịch vụ với khách hàng. Các website của các đơn vị này phải cung cấp đường link đến địa chỉ http://ec.europa.eu/odr, đây là hệ thống do Ủy ban Châu Âu xây dựng nhằm giúp các bên xử lý các tranh chấp TMĐT bên ngoài tòa án với chi phí thấp, thủ tục đơn giản và nhanh chóng, thông qua việc điều hướng vụ việc tranh chấp đến các tổ chức cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến tại EU theo sự lựa chọn ban đầu của bên bán. Các quốc gia thành viên thuộc EU phải thiết lập đầu mối liên lạc quốc gia để hỗ trợ các bên trong việc sử dụng hệ thống này khi nó chính thức hoạt động từ 15/02/2016. Bên cạnh đó, các giao dịch tiêu dùng giá trị từ 500 Euro trở xuống, bắt buộc phải được giải quyết qua thủ tục của các tổ chức ODR.
b. Hỗ trợ giải quyết các tranh chấp tiêu dùng
Cũng như hoạt động TMĐT, hoạt động mua bán hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng truyền thống của người dân Việt Nam hiện nay chẳng hạn như mua hàng tại cửa hàng tạp hóa, tại chợ truyền thống,… vẫn chưa có được cơ chế xử lý tranh chấp hiệu quả mà vẫn phải giải quyết qua việc khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền tại địa phương. Trong khi đó, giá trị vụ việc tranh chấp tiêu dùng truyền thống thường khá nhỏ nên việc phải đệ trình vụ việc ra tòa án giải quyết hầu hết không được các bên mong muốn thực hiện. Do đó, người tiêu dùng thường chấp nhận thua thiệt và không đưa vụ việc ra tòa, chính điều này khiến cho thị trường thương mại truyền thống có thể trở nên lộn xộn, không được kiểm soát chặt chẽ, dễ phát sinh, nẩy nở các hoạt động bán hàng nhái, hàng giả, trốn thuế và thậm chí là lừa đảo. Vì vậy, có thể thấy rằng việc xây dựng và phát triển các tổ chức ODR để cung cấp dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến cho các giao dịch tiêu dùng giá trị nhỏ là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo sự lành mạnh của thị trường và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tiêu dùng tại Việt Nam.
Tham khảo từ Liên minh Châu Âu: Theo số liệu trên website http://ec.europa.eu/odr, kể từ khi chính thức hoạt động từ đầu năm 2016 đến hết tháng 5/2019, số vụ việc tranh chấp TMĐT đã được gửi đến giải quyết tranh chấp tại website này là 121.494 vụ việc, trong đó các vụ việc tranh chấp tiêu dùng trong nước là: 67.831 vụ, chiếm 55,83%; số vụ việc xuyên biên giới là: 53.663 vụ, chiếm 44,17%. Số vụ việc tranh chấp thuộc các lĩnh vực: hàng không; quần áo và giầy dép; hàng hóa công nghệ thông tin và truyền thông (hàng ITC); hàng điện tử (không bao gồm hàng ICT); dịch vụ điện thoại di động; nội thất; trang thiết bị thể thao, âm nhạc; phụ tùng ôtô và phụ tùng cho các phương tiện cá nhân khác; hàng gia dụng kích thước lớn.
c. Thúc đẩy phát triển công nghệ trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0
Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay, rất nhiều công nghệ hiện đại như Blockchain (chỗi khối), AI (trí tuệ nhân tạo), Big data (dữ liệu lớn), IoT (vạn vật kết nối), VR (thực tế ảo),… đang và sẽ tiếp tục tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho người dân trong mọi mặt cuộc sống. Tuy nhiên các công nghệ này cũng tiềm ẩn nhiều hơn rủi ro cho người dân nếu như Việt Nam chưa xây dựng và hoàn thiện được các cơ chế tư pháp trực tuyến để quản lý hữu hiệu các hoạt động giao dịch có sử dụng, ứng dụng các công nghệ mới này nhằm đảm bảo sự lành mạnh của thị trường cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Do đó, có thể nói rằng thúc đẩy và tạo điều kiện phát triển các tổ chức ODR sẽ không chỉ là giải pháp đảm bảo an toàn pháp lý cho người dân khi tham gia nhiều hơn các giao dịch có sử dụng công nghệ hiện đại trong tương lai mà nó còn giúp thúc đẩy sự phát triển của các công nghệ mới, hiện đại, giúp công nghệ ngày một trở nên thân thiện, thiết thực và hữu ích đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội tại Việt Nam trong thời gian tới.
3. Các vấn đề pháp lý liên quan của hoạt động ODR
Vấn đề pháp lý đầu tiên trong giải quyết tranh chấp trực tuyến đó là việc xác thực các bên tranh chấp nhằm đảm bảo họ có năng lực tố tụng để yêu cầu giải quyết vụ việc tranh chấp, đảm bảo tính hiệu lực của biên bản hòa giải, quyết định trọng tài khi tổ chức ODR xét xử vụ việc tranh chấp.
Hiện nay tại nhiều nước trên thế giới, các cá nhân khi tham gia vào các hoạt động TMĐT đều đã được cấp mã số, chứng thư công dân điện tử để tiện sử dụng[9] hoặc họ được các tổ chức cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ sàn TMĐT kiểm tra, xác thực cá nhân nên việc xác thực lại tại tổ chức ODR là không cần thiết. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều sàn TMĐT tại nhiều nước không yêu cầu xác thực định danh người tham gia giao dịch TMĐT nên sẽ gây ra khó khăn trong việc kiểm tra, xác định chủ thể giao dịch để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho họ khi phát sinh tranh chấp. Để thực hiện việc xác thực này, hiện nay có các phương thức công nghệ xác thực sau:
(i)      Xác thực bằng số điện thoại;
(ii)     Xác thực bằng chữ ký số doanh nghiệp hoặc chữ ký số cá nhân mà người đó đã đăng ký với cơ quan chứng thực chữ ký số;
(iii)    Xác thực qua mã xác thực một lần (OTP) thông qua các hình thức SMS OTP khi mã xác thực được gửi dưới dạng tin nhắn SMS đến số điện thoại định danh mà người đó đã đăng ký với nhà mạng; hoặc thông qua token key là thiết bị mà người đó đã đăng ký định danh với đơn vị cung cấp token và Smart OTP hay Smart Token mà người đó đã đăng ký với đơn vị cấp token qua các thiết bị smart;
(iv)    Xác thực qua các đơn vị trung gian thanh toán mà ở đó các bên đã được các tổ chức này xác nhận; và
(v)     Xác thực sinh trắc học trong trường hợp các cá nhân đó đã đăng ký dấu hiệu sinh trắc học của mình để thực hiện các giao dịch trên mạng internet.
Các phương thức xác thực nêu trên sẽ giúp xác thực định danh của từng bên trong một tranh chấp được gửi đến tổ chức ODR. Tuy vậy quy định có bắt buộc xác thực trong mọi trường hợp vụ việc tranh chấp hay không hay trong những trường hợp vụ việc tranh chấp có giá trị rất nhỏ ở mức nào đó thì các bên được miễn xác thực cũng cần tính đến để đảm bảo tính thuận tiện và hiệu quả cho cả hoạt động TMĐT và giải quyết tranh chấp TMĐT. 
Vấn đề pháp lý thứ hai là việc kiểm tra, xác thực các tài liệu, bằng chứng được các bên cung cấp. Có thể thấy, đối với các vụ việc tranh chấp TMĐT khi các bên sử dụng dịch vụ của một hoặc nhiều bên thứ ba cho việc giao dịch thì việc thu thập dữ liệu, chứng cứ phục vụ tranh chấp sẽ rất thuận tiện nếu hệ thống ODR có thể kết nối dữ liệu đến các bên thứ ba đó. Tuy vậy, đối với các tranh chấp tiêu dùng hoặc các tranh chấp khác mà các bên muốn đệ trình vụ việc lên tổ chức ODR giải quyết thì các bên ngoài việc phải cam kết đảm bảo trung thực trong việc giao nộp tài liệu, chứng cứ thì còn cần sử dụng thêm các công cụ kiểm soát sự chính xác của tài liệu, chẳng hạn như việc sử dụng chữ ký số để ký vào văn bản. Mặc dù đa số vụ việc tranh chấp trên mạng internet có giá trị nhỏ và có thể nói các bên không có ý định làm giả tài liệu, tuy nhiên cũng không loại trừ trường hợp này, ngoài ra cũng cần đảm bảo tính hiệu lực của biên bản hòa giải, quyết định trọng tài đối với vụ việc tranh chấp về sau. Do đó, đối với các giao dịch TMĐT không thực hiện qua các tổ chức cung cấp dịch vụ sàn TMĐT hoặc đối với các giao dịch tiêu dùng thì rất cần có một bên thứ ba hoặc bản thân tổ chức ODR có thể cung cấp thêm dịch vụ lưu trữ dữ liệu, dịch vụ nền tảng mã hóa giao tiếp cho các bên trong giao dịch để đảm bảo tính toàn vẹn trong các thông tin và tài liệu giao dịch để phục vụ việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong tương lai (nếu có).
Vấn đề thứ ba trong giải quyết tranh chấp trực tuyến là việc đảm bảo phiên thảo luận hòa giải hoặc xét xử trọng tài được thực hiện đúng trình tự quy định pháp luật. Để thực hiện được việc này thì các tổ chức ODR cho phép các bên lựa chọn việc giải quyết theo hình thức text communication (trao đổi qua chat) hoặc video conference (họp trực truyến) và thông báo cho các bên thời gian thực hiện việc giải quyết này để các bên bố trí tham dự. Do việc tham dự này không trực tiếp nên bắt buộc các bên phải cam kết về tư cách của mình khi tham gia các phiên hòa giải, trọng tài trực tuyến trước khi tiến hành các thủ tục giải quyết tranh chấp tiếp theo tại tổ chức ODR. Tuy vậy, trong trường hợp các bên tham gia phiên họp trực tuyến thì pháp luật tại các nước, trong đó có Việt Nam cần có sự điều chỉnh thích hợp để đảm bảo các trường hợp này sẽ không dẫn đến hậu quả vô hiệu về sau.
4. Giải pháp thúc đẩy phát triển ODR tại Việt Nam
a. Sự quan tâm của nhà nước đối với việc phát triển các tổ chức ODR tại Việt Nam chưa cao
Việt Nam đã ban hành luật giao dịch điện tử từ năm 2005 và có rất nhiều quy định về TMĐT, tuy vậy chúng ta chưa có một quy định nào đặc thù cho hoạt động của các tổ chức ODR tại Việt Nam. Nếu Việt Nam không khuyến khích các tổ chức ODR phát triển thì các hoạt động TMĐT cũng như sự tiện lợi, an toàn mà công nghệ mang lại cho người dân sẽ bị đe dọa. Do đó, Chính phủ Việt Nam cần có những biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích và phát triển các tổ chức ODR, cụ thể bằng các giải pháp như sau:
(i)      Thực hiện các hoạt động tuyên truyền nhằm giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng hiểu nhiều được tầm quan trọng của việc sử dụng các cơ chế giải quyết tranh chấp trực tuyến trong việc tham gia các hoạt động TMĐT.
(ii)     Ban hành các quy định yêu cầu các tổ chức, cá nhân tham gia bán hàng trên mạng internet, bao gồm các đơn vị cung cấp dịch vụ sàn TMĐT, ứng dụng TMĐT phải thông báo lựa chọn về tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, đảm bảo sự minh bạch và môi trường an toàn cho mọi người như Liên minh Châu Âu đã thực hiện từ năm 2016 nêu trên.
(iii)    Đưa ra chính sách ưu đãi về thuế nhằm phát triển hoạt động của các tổ chức ODR. Hiện nay theo quy định tại Luật Trọng tài thương mại số 54/2010/QH12 và Nghị định 22/2017/NĐ-CP về hòa giải thương mại thì tổ chức hòa giải và trọng tài thương mại đều là tổ chức giải quyết tranh chấp hoạt động không vì mục đích lợi nhuận. Như vậy tổ chức hòa giải và trọng tài phải sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội. Việc quy định như vậy chưa thực sự hợp lý. Cần hiệu rằng các hoạt động này là hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý và cần được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển, đặc biệt đặt trong bối cảnh thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ tư như hiện nay. Do đó, pháp luật về thuế cần quy định rõ hoạt động xây dựng và phát triển các tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến ngoài tố tụng thuộc lĩnh vực được hưởng ưu đãi về thuế ở mức cao nhất theo quy định pháp luật hiện hành. Các cá nhân sử dụng dịch vụ giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được miễn thuế VAT. Bên cạnh đó, các cá nhân, chuyên gia pháp luật và công nghệ tham gia vào các hoạt động giải quyết tranh chấp trực tuyến sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân cao nhất theo quy định, chẳng hạn như sẽ được coi là nhân lực công nghệ cao để được hưởng miễn giảm thuế thu nhập cá nhân 50% như Bộ Tài chính đang đề xuất sửa đổi các luật về thuế thời gian qua.
(iv)    Xa hơn Chính phủ và Nhà nước Việt Nam cần ban hành kế hoạch chương trình hành động để phát triển TMĐT cũng như kinh tế Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó đưa ra yêu cầu hoàn thiện môi trường chính sách, quy định về việc phát triển các dạng thức TMĐT, công nghệ và thúc đẩy xây dựng phát triển các tổ chức hòa giải, trong tài trực tuyến hoặc các tổ chức bổ trợ tư pháp khác để thúc đẩy kiểm soát và bảo vệ các cá nhân tham gia giao dịch trên môi trường mạng internet.
   b. Việc định danh trong giao dịch TMĐT cần được phát triển hơn và tạo điều kiện cho các tổ chức chứng thực chữ ký số cung cấp chữ ký số cá nhân miễn phí
   Hiện nay các cá nhân tham gia các hoạt động TMĐT chưa thực hiện việc định danh khá nhiều khiến cho ngoài việc Việt Nam bị thất thu thuế thì việc bảo vệ quyền lợi của các bên trong giao dịch TMĐT cũng trở nên khó khăn. Do đó, Việt Nam cần hoàn thiện xây dựng hệ thống xác thực và định danh điện tử công dân, việc này sẽ giúp tiết kiệm rất nhiều cho công dân, chính phủ và doanh nghiệp, giúp giảm chi phí giao dịch, tăng cường tính hiệu quả và thúc đẩy sáng tạo, đổi mới trong tiến trình cung cấp dịch vụ công, đồng thời cũng để tạo sự thuận tiện cho các bên khi thực hiện giải quyết tranh chấp bằng phương thức ODR. Để thực hiện việc này, Việt Nam cần:
- Đẩy nhanh việc hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để tiến tới việc cấp căn cước công dân điện tử quốc gia kèm theo chữ ký điện tử cá nhân cho công dân. Có thể thấy trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều quốc gia trên thế giới triển khai xác thực và định danh số. Từ Algeria, Zambia, Senegal ở châu Phi, Ấn Độ, Afganistan, Thái Lan ở châu Á ở mức độ phát triển chính phủ từ thấp đến trung bình cho đến Australia, Canada, Đan Mạch, Anh đã phát triển chính phủ điện tử ở mức cao, chúng ta đã chứng kiến hoạt động triển khai các chương trình căn cước công dân điện tử quốc gia. Mục tiêu chung của các chương trình này là nâng cao việc cung cấp dịch vụ, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội, đồng thời hình thành một hệ sinh thái xác thực và định danh số an toàn, có quy mô lớn và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân.
- Trong thời gian chưa hoàn thiện được dữ liệu quốc gia về cư dân, cấp căn cước công dân điện tử thì Việt Nam cần thực hiện xác thực định danh công dân thông qua việc sử dụng các mã số điện tử đã cấp: mã số bảo hiểm y tế, mã số bảo hiểm xã hội, mã số thuế, mã số doanh nghiệp, mã số người gửi tiền ngân hàng, sim di động.
c. Đưa ra khung áp dụng đối với nền kinh tế số theo phương án học tập Liên minh Châu Âu
Việt Nam nên cân nhắn học tập Liên minh Châu Âu trong việc đưa ra quy định bắt buộc các tổ chức, cá nhân bán dịch vụ, hàng hóa trên mạng internet phải nêu tên một tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến để xử lý các tranh chấp phát sinh nếu có đối với các khách hàng của mình, bên cạnh đó các tranh chấp tiêu dùng giá trị nhỏ dưới 500 Euro thì người tiêu dùng được đưa vụ việc ra giải quyết tại tổ chức giải quyết tranh chấp trực tuyến như nên tại phần trên.
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hà Nội (HIAC) là đơn vị đầu tiên xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giải quyết tranh chấp bằng hòa giải và trọng tài trực tuyến (ODR) đầu tiên tại Việt Nam tại địa chỉ www.hiac.vn từ tháng 6/2020[10]. Được biết đây là dự án được thai nghén từ cuộc hội thảo khoa học cấp Bộ Tư pháp về chủ đề giải quyết tranh chấp trực tuyến được tổ chức tại Viện Khoa học pháp lý vào tháng 12/2017, sau đó các chuyên gia tham gia hội thảo đã tập hợp và triển khai xây dựng trên thực tế mô hình ODR đầu tiên tại Việt Nam và hoàn toàn bằng công nghệ của Việt Nam từ đầu năm 2018, Giáo sư – tiến sỹ Hoàng Thế Liên, nguyên thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp hiện đang là Chủ tịch của HIAC.


[1]  Chỉ thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14.1.2020 về Thúc đẩy phát triển công nghệ số Việt Nam đã đưa ra nhận định: Dựa trên nền tảng của nhiều công nghệ mới mà cốt lõi là công nghệ số (trí tuệ nhân tạo, học máy sâu, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, internet vạn vật,...), chuyển đổi số đang tạo ra không gian phát triển mới - kinh tế số, xã hội số, Chính phủ điện tử. Đặc biệt, chuyển đổi số mở ra cơ hội to lớn cho Việt Nam phát triển đột phá, nhanh chóng bắt kịp các nước phát triển cũng chỉ mới bắt đầu quá trình chuyển đổi số.
[3] Một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030: Duy trì xếp hạng về chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc nhóm 40 nước dẫn đầu thế giới. Mạng di động 5G phủ sóng toàn quốc; mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp.
Kinh tế số chiếm trên 30% GDP; năng suất lao động tăng bình quân khoảng 7,5%/năm. Hoàn thành xây dựng Chính phủ số. Hình thành một số chuỗi đô thị thông minh tại các khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung; từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới.
[7]  Theo Ethan Katsh & Colin Rule trong nghiên cứu: What we known and need to know about online dispute resolution (Những gì chúng ta đã biết và cần biết về giải quyết tranh chấp trực tuyến), 67 S.C.L. Rev. 329, 333 (2016)

Luật sư Trần Anh Huy & Tiến sỹ Đào Thị Hà Anh