1. Đặt vấn đề
Cách mạng công nghiệp 4.0 với những công nghệ lõi như blockchain (chuỗi khối), Internet vạn vật (thay chỉ vì là Internet thông tin như hiện nay được gắn kết giữa các máy tính để bàn, máy tính xách tay và điện thoại thông minh - smart phone), điện toán đám mây, dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), robot, học máy (machine learning), điện toán đám mây (cloud computing)[1]… đang tác động mạnh mẽ tới các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quản trị ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Một câu hỏi lớn được đặt ra là trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp này, tư duy pháp lý có điều gì cần thay đổi. Liệu tư duy pháp lý truyền thống sẽ đứng trước những thách thức nào?
Trước khi trả lời câu hỏi lớn này, chúng ta cần thống nhất với nhau một số khái niệm quan trọng, mà trước hết là khái niệm “tư duy pháp lý”. Thực ra, cho tới nay, chưa có tài liệu nào ở Việt Nam định nghĩa một cách rõ nét thế nào là tư duy pháp lý. Ở nhiều trường đào tạo luật trên thế giới, nói tới tư duy pháp lý (legal thinking)[2]với ý nghĩa đó là tư duy[3]/ cách nghĩ của một luật sư (người hành nghề tư vấn áp dụng pháp luật). Tư duy pháp lý theo nghĩa hẹp này chính là tư duy áp dụng pháp luật để giải quyết một vấn đề pháp lý (một yêu cầu thực hiện quyền, một tranh chấp pháp lý, một tình huống vi phạm pháp luật v.v.) nhất định. Công thức có tính phổ quát được áp dụng là quy tắc IRAC (viết tắt của 4 từ: Issue - vấn đề; Rule - quy phạm; Application - áp dụng; Conclusion - Kết luận). Quy tắc IRAC có nghĩa rằng, khi gặp một vấn đề pháp lý hoặc một tình huống pháp lý phát sinh, điều đầu tiên người áp dụng pháp luật (thẩm phán hoặc các cán bộ áp dụng pháp luật khác) hoặc tư vấn áp dụng pháp luật (luật sư tư vấn v.v.) cần thực hiện 4 bước (cũng là 4 loại công việc):
- Xác định vấn đề cần giải quyết (issue): đó là vấn đề gì, thuộc lĩnh vực luật tư hay luật công?
- Xác định quy phạm pháp luật có liên quan tới vấn đề đó (rule): quy định nào và đang tồn tại ở đâu sẽ liên quan tới vấn đề đang cần giải quyết?
- Áp dụng quy phạm đó để tìm câu trả lời về quyền và nghĩa vụ, trách nhiệm của các chủ thể có liên quan (application);
- Kết luận về vụ việc (conclusion).
Như vậy, “legal thinking” mới chỉ được giới hạn trong lĩnh vực áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp dân sự (bao gồm cả lao động, kinh doanh, thương mại, đầu tư), giải quyết các vụ án hình sự, xử lý vi phạm hành chính, vi phạm kỷ luật. Legal thinking không bao hàm tư duy lập pháp. Tuy nhiên, tư duy pháp lý ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nên được hiểu theo nghĩa rộng không chỉ là tư duy áp dụng pháp luật mà trước hết phải kể tới tư duy xây dựng pháp luật (hoặc hẹp hơn là tư duy lập pháp). Tư duy pháp lý, vì thế, theo nghĩa rộng, nên được hiểu là cách thức nhà nước nhìn nhận, xử lý vấn đề của thực tiễn xã hội bằng công cụ, phương tiện pháp lý. Tư duy pháp lý trong nghiên cứu này được hiểu theo nghĩa rộng.
2. Cách mạng công nghiệp 4.0 và tư duy xây dựng pháp luật
Xây dựng pháp luật là một trong những mặt hoạt động đặc biệt quan trọng của mỗi nhà nước và mỗi cấp chính quyền (nhất là chính quyền trung ương). Đây là một chuỗi các hoạt động do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong mối quan hệ tương tác với các chủ thể có liên quan nhận diện vấn đề xã hội cần giải quyết, xác định phương án phản ứng chính sách, thiết kế quy phạm điều chỉnh hành vi của các chủ thể có liên quan và thông qua văn bản để cung cấp cơ sở pháp lý cho việc giải quyết vấn đề xã hội (thông qua việc thay đổi hành vi gây ra vấn đề xã hội). Xét ở khía cạnh chức năng, xây dựng pháp luật chính là việc nhà nước nhận diện vấn đề xã hội cần giải quyết và phản ứng lại bằng hành động ban hành văn bản quy phạm pháp luật chỉ cách xử lý vấn đề. Ở góc độ của một quá trình ra quyết định, xây dựng pháp luật được hiểu là quá trình thu thập thông tin, dữ liệu về hiện thực xã hội cần có sự căn chỉnh, thiết kế giải pháp xử lý, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ở Việt Nam hiện nay, tùy theo vấn đề nhất định mà thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm xử lý vấn đề thuộc các cơ quan có thẩm quyền khác nhau. Quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật được quy định trong đạo luật quan trọng là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Theo luật này, để ban hành một đạo luật từ khi có sáng kiến lập pháp (đề xuất xây dựng luật), cơ quan bảo trợ hoặc có sáng kiến lập pháp phải trải qua một quy trình khá phức tạp với nhiều bước khác nhau. Chẳng hạn, với các dự án luật do Chính phủ trình (đây là loại dự án luật phổ biến nhất trong thực tế), mỗi dự án luật đều phải trải qua quy trình 2 giai đoạn: giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật và giai đoạn soạn thảo, trình xem xét, thông qua dự án luật. Chỉ riêng ở giai đoạn lập đề nghị xây dựng luật (nhằm xác định được rõ các chính sách mà dự án luật theo đuổi) đã bao gồm những bước cơ bản sau:
Bước 1. Xây dựng nội dung chính sách (trong đề nghị xây dựng luật): Để chuận bị cho việc lập đề nghị xây dựng luật do Chính phủ trình, bộ, cơ quan ngang bộ (sau đây gọi chung là bộ quản lý ngànhphải thực hiện rất nhiều công việc quan trọng, nhằm thu thập, chuẩn bị bằng chứng thực tiễn và các lập luận cần thiết để chứng minh cho đề nghị xây dựng luật của mình làcần thiết, có căn cứ theo quy định hiện hành[4] trước khi lập đề nghị xây dựng luật, Bộ quản lý ngành phải tiến hành hoặc yêu cầu cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiến hành 4 loại hoạt động sau đây:
Thứ nhất, tổng kết việc thi hành pháp luật có liên quan đến đề nghị xây dựng luật; khảo sát, đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật (sau đây gọi chung là hoạt động tổng kết thi hành pháp luật);
Thứ hai, tổ chức nghiên cứu khoa học về các vấn đề liên quan để hỗ trợ cho việc lập đề nghị xây dựng luật; nghiên cứu thông tin, tư liệu, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có liên quan đến đề nghị xây dựng luật. Trong trường hợp cần thiết, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp tài liệu, thông tin liên quan đến đề nghị xây dựng luật;
Thứ ba, xây dựng nội dung của chính sách trong đề nghị xây dựng luật;
Thứ tư, dự kiến nguồn lực, điều kiện bảo đảm cho việc thi hành luật sau khi được Quốc hội thông qua.
Bước 2. Đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật:[5] Bộ quản lý ngành có trách nhiệm tiến hành đánh giá tác động của từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật. Nội dung đánh giá tác động của từng chính sách phải nêu rõ: vấn đề cần giải quyết; mục tiêu của chính sách; giải pháp để thực hiện chính sách; tác động tích cực, tiêu cực của chính sách; chi phí, lợi ích của các giải pháp; so sánh chi phí, lợi ích của các giải pháp; lựa chọn giải pháp của cơ quan, tổ chức và lý do của việc lựa chọn; đánh giá tác động thủ tục hành chính; tác động về giới (nếu có). Khi đánh giá tác động của chính sách, Bộ quản lý ngành phải xây dựng dự thảo báo cáo đánh giá tác động; lấy ý kiến góp ý, phản biện dự thảo báo cáo; tiếp thu, chỉnh lý dự thảo báo cáo.Bước 3. Xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng luật: Cơ quan lập đề nghị xây dựng luật tiến hành xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng luật trên cơ sở kết quả thực hiện các hoạt động ở bước 1 và bước 2. Hồ sơ này gồm các tài liệu sau đây: (a) Dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng luật[1]; (b) Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật[2]; (c) Báo cáo tổng kết việc thi hành pháp luật hoặc đánh giá thực trạng quan hệ xã hội liên quan đến đề nghị xây dựng luật; (d) Dự thảo Đề cương luật.
Bước 4. Lấy ý kiến về đề nghị xây dựng luật:
[3] Bộ quản lý ngành khi lập đề nghị xây dựng luật phải tổ chức lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về đề nghị xây dựng luật; tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý. Cơ quan lập đề nghị xây dựng luật có trách nhiệm:
[4] Đăng tải báo cáo tổng kết, báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng luật trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ quản lý ngành trong thời gian ít nhất là 30 ngày; Lấy ý kiến Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp
[5] và cơ quan, tổ chức có liên qua, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp c
ủa chính sách vàgiải phápthực hiện chính sáchtrong đề nghị xây dựng luật. Trong trường hợp cần thiết, tổ chức họp để lấy ý kiến về những chính sách cơ bản trong đề nghị xây dựng luật; Xác định rõ từng chính sách trong đề nghị xây dựng luật cần xin ý kiến phù hợp với từng đối tượng cần lấy ý kiến và địa chỉ tiếp nhận ý kiến; Gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật đến Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật liên quan đến quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để lấy ý kiến; Tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu các ý kiến góp ý; đăng tải báo cáo giải trình, tiếp thu trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và Bộ quản lý ngành.
[1] Theo Mẫu số 02 Phụ lục V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
[2] Theo Mẫu số 01 Phụ lục V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[3] Khoản 3 và Khoản 4 Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[4] Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[5] Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm góp ý bằng văn bản về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn tài chính, Bộ Nội vụ có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn nhân lực, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với hệ thống pháp luật đến cơ quan... lập đề nghị (Khoản 2 Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
Bước 5. Thẩm định đề nghị xây dựng luật: Đề nghị xây dựng lu
ật, trước khi trình Chính phủ xem xét, thông qua phải trải qua công đoạn thẩm định tại Bộ Tư pháp. Theo quy định hiện hành. Bộ[11]Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao và các cơ quan, tổ chức có liên quan thẩm định đề nghị xây dựng luật trước khi trình Chính phủ trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Nội dung thẩm định tập trung vào các vấn đề sau đây: Sự cần thiết ban hành luật; Đối tượng, phạm vi điều chỉnh của luật; Sự phù hợp của nội dung chính sách với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước; Tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của chính sách với hệ thống pháp luật và tính khả thi, tính dự báo của nội dung chính sách, các giải pháp và điều kiện bảo đảm thực hiện chính sách dự kiến trong đề nghị xây dựng luật; Tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; Sự cần thiết, tính hợp lý, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính của chính sách trong đề nghị xây dựng luật, nếu chính sách liên quan đến thủ tục hành chính; việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong đề nghị xây dựng luật, nếu chính sách liên quan đến vấn đề bình đẳng giới; Việc tuân thủ trình tự, thủ tục lập đề nghị xây dựng luật.
Báo cáo thẩm định phải thể hiện rõ ý kiến của Bộ Tư pháp về nội dung thẩm định và ý kiến của Bộ Tư pháp về việc đề nghị xây dựng luật đủ điều kiện hoặc chưa đủ điều kiện trình Chính phủ. Trường hợp Bộ Tư pháp kết luận đề nghị xây dựng luật chưa đủ điều kiện trình Chính phủ thì phải nêu rõ lý do trong Báo cáo thẩm định. Báo cáo thẩm định phải được gửi đến Bộ quản lý ngành chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày kết thúc thẩm định.
Bước 6. Trình Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng luật: Bộ quản lý ngành có trách nhiệm nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến, thẩm định để chỉnh lý, hoàn thiện đề nghị xây dựng luật, và đồng thời gửi đề nghị xây dựng luật đã được chỉnh lý kèm theo báo cáo giải trình, tiếp thu cho Bộ Tư pháp khi trình Chính phủ. Theo quy định hiện hành,
[12] nếu muốn đề nghị xây dựng luật của mình được Chính phủ xem xét, quyết định, thì chậm nhất là 20 ngày trước ngày Chính phủ tổ chức phiên họp, Bộ quản lý ngành phải trình Chính phủ hồ sơ đề nghị xây dựng luật. Chính phủ tổ chức phiên họp để xem xét các đề nghị xây dựng luật.
[13] Sau công đoạn kể trên, Bộ quản lý ngành có trách nhiệm chỉnh lý, gửi hồ sơ đề nghị xây dựng luật cho Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm. Cụ thể, Bộ quản lý ngành
[14] chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật trên cơ sở nghị quyết của Chính phủ và gửi Bộ Tư pháp để lập đề nghị của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Trên cơ sở các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh đã được Chính phủ xem xét, thông qua, Bộ Tư pháp có trách nhiệm giúp Chính phủ lập “đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh”. Chính phủ xem xét, thảo luận đề nghị về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.
Sau giai đoạn lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ phải bước vào giai đoạn soạn thảo dự án luật và việc soạn thảo dự án luật lại tiếp tục phải thực hiện các hoạt động như lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức có liên quan cũng như các đối tượng chịu sự tác động của dự án luật; dự án luật được thẩm định bởi Bộ Tư pháp trước khi chính thức trình Chính phủ quyết định liệu đủ chất lượng hoặc đủ sự cần thiết để trình Quốc hội hay chưa. Nếu được Chính phủ quyết định trình dự án luật, dự án luật thường sẽ trải qua 2 lần xem xét, thảo luận tại Quốc hội trước khi chính thức được bấm nút thông qua. Thông thường, để chạy hết các quy trình kể trên, một dự án luật thường mất ít nhất 18 tháng nhưng thực tế, một dự án luật từ lúc xây dựng đến lúc thông qua có thể mất khoảng 2-3 năm. Có không ít trường hợp, từ khi khởi thảo tới lúc thông qua còn mất nhiều thời gian hơn nữa.
Thực tế ấy cho thấy, dùng luật để xác lập các quy tắc pháp lý xử lý các vấn đề mới phát sinh từ việc ứng dụng các công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 là một thách thức. Có thể thực tiễn cuộc sống sẽ diễn biến nhanh hơn rất nhiều khả năng đáp ứng của quy trình xây dựng luật hiện tại. Điều này cho thấy, việc tiếp tục tìm các giải pháp để đẩy nhanh hơn nữa hoạt động lập pháp là rất cần thiết. Phải chăng, việc ban hành luật bằng quy trình rút gọn và đạo luật được thông qua chỉ trong một nhiệm kỳ là một hướng chọn lựa đúng. Tuy nhiên, chọn lựa ấy cũng không kém phần thách thức khi các đạo luật điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh từ việc ứng dụng công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 thường giải quyết những vấn đề mang bản chất pha trộn giữa khía cạnh kinh tế, công nghệ và pháp lý. Các đại biểu Quốc hội có thể cảm thấy khá e ngại khi biểu quyết thông qua một dự án luật trong khi chưa thực sự hiểu bản chất pháp lý của các hiện tượng kinh tế - công nghệ mới đó. Hiện nay, bản chất của loại hình kinh doanh nền tảng kết nối giữa lái xe và người có nhu cầu đi lại (một hình thức của kinh tế chia sẻ) vẫn là chủ đề tranh luận chưa ngã ngũ (xem đó là dịch vụ vận tải hoặc dịch vụ có tính năng tương đương với dịch vụ vận tải hay đó là dịch vụ môi giới thương mại điện tử). Vụ việc liên quan tới sự sáp nhập của Uber và Grab, vụ kiện giữa Grab với các hãng taxi truyền thống có thể xem là ví dụ khá điển hình.
Việc ứng dụng những công nghệ mới của Cách mạng công nghiệp 4.0 có thể đưa tới những tác động lan tỏa nhanh và mạnh mà hệ thống quản lý hiện hành có thể không theo kịp (chẳng hạn, sự bùng nổ của các xe “taxi” công nghệ ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh vừa qua hoặc việc xuất hiện một số loại tài sản mã hóa), nên việc ứng dụng những cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm trong phạm vi hạn chế (mà thế giới thường gọi là sandbox) có thể là chọn lựa lập pháp, lập quy khôn ngoan. Tuy nhiên, cơ chế thử nghiệm trong phạm vi hạn chế này được áp dụng trong trường hợp nào thì cần được tính toán kỹ lưỡng các mặt lợi hại để làm sao vừa bảo đảm khuyến khích quá trình đổi mới sáng tạo nhưng vẫn bảo đảm được yêu cầu bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng theo tinh thần khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013.
Bên cạnh đó, khi xem hoạt động lập pháp hoặc xây dựng pháp luật là chuỗi các hoạt động thu thập thông tin, dựng mô hình dự báo, phân tích thực tiễn và chọn giải pháp, việc ứng dụng công nghệ trong việc thu thập, xử lý dữ liệu (công nghệ big data, AI, Internet vạn vật v.v.) rõ ràng có dư địa để thực hiện. Xét về công nghệ, việc thiết kế các website trực tuyến về việc lấy ý kiến người dân vận hành 24/7 dưới sự hỗ trợ của các phần mềm trợ lý ảo (chatbot) có thể gia tăng tính tương tác giữa cơ quan chủ trì soạn thảo với các đối tượng có liên quan hoặc với công chúng.
Ngoài ra, một điểm rất quan trọng nên được đề cập là vai trò của doanh nghiệp công nghệ hoặc doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong quá trình xây dựng pháp luật. Trước những diễn tiến nhanh chóng của tình hình do tác động của việc phát minh những công nghệ mới, vai trò chủ thể sáng tạo ra các quy tắc pháp lý có thể không giản đơn đến từ phía các nhà phân tích, hoạch định chính sách như cách nghĩ truyền thống. Doanh nghiệp công nghệ, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo hoặc các tổ chức đại diện cho cộng đồng này (thậm chí là các tổ chức bảo trợ, quỹ đầu tư cho cộng đồng này) không chỉ là “đối tượng chịu sự tác động” đơn thuần để được “tham vấn” (theo nghĩa khá bị động: chỉ có ý kiến khi được hỏi, khi được tham vấn), mà phải là chủ thể “chủ động sáng kiến pháp luật, chủ động cung cấp thông tin tác động vào quá trình hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật”.
3. Cách mạng công nghiệp 4.0 và tư duy tổ chức thi hành pháp luật
Khi được ban hành, để phát huy tác dụng thực tế, các đạo luật thường phải được tổ chức thi hành thông qua hàng loạt các hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước và các cơ quan khác có liên quan. Các hoạt động này bao gồm: phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức bộ máy thực thi, giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật, theo dõi thi hành pháp luật, xử lý vi phạm pháp luật. Các đạo luật về phổ biến, giáo dục pháp luật, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, xử lý tội phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo cùng các đạo luật quản lý chuyên ngành (ví dụ: Luật Đất đai, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm, v.v.), các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước đã quy định khá chi tiết các hoạt động này. Tuy nhiên, trong bối cảnh khi sự hiện diện của người dân ở trên không gian mạng rất lớn như hiện nay (trung bình mỗi ngày, mỗi người dùng khoảng 2 - 3 giờ cho hoạt động trên mạng Internet, mạng xã hội) thì có thể nói, không gian sinh tồn của người dân, các chủ thể pháp luật đã được mở rộng, từ không gian offline sang một phần quan trọng trong không gian online. Về nguyên tắc, ở đâu có sự hiện diện của người dân, ở đâu có các giao dịch, tương tác của người dân, thì ở đó cần có sự hiện diện của nhà nước để hỗ trợ, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, thực hiện vai trò “trọng tài” giải quyết tranh chấp khi cần thiết. Trong bối cảnh đó, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, tổ chức thi hành pháp luật, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật cần có sự mở rộng “địa bàn” hoạt động trên không gian mạng và nhà nước phải thực sự thể hiện vai trò bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.
Trong thời gian qua, do nhận thức chưa đầy đủ về bản chất của không gian mạng, công tác tổ chức thực thi pháp luật trên môi trường mạng và trên không gian mạng xã hội chưa được quan tâm đúng mức. Thêm vào đó, việc đầu tư, ứng dụng các công nghệ hiện đại để tổ chức thi hành pháp luật trên môi trường mạng, trong đó có việc xây dựng chính phủ điện tử và chính phủ số, phù hợp với yêu cầu của Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam có phần còn khá chậm.
Đây là điều cần có sự đổi mới ngay từ tư duy và nhận thức của người dân và các cơ quan có thẩm quyền. Việc ứng dụng các công nghệ tiên tiến (trong đó có các camera giám sát, các cảm biến, Internet vạn vật v.v.) trong tổ chức thi hành pháp luật, trong phổ biến, giáo dục pháp luật, trong theo dõi, giám sát hành vi của tổ chức, cá nhân ở khu vực công cộng trong khi vẫn bảo đảm không gian riêng tư cần thiết là điều cần được đẩy mạnh.
Trong thời gian tới, khi các công nghệ tiên tiến được ứng dụng rộng rãi trong quản trị các cộng đồng dân cư, đặc biệt là quản trị đời sống đô thị để hình thành nên các khu đô thị thông minh hoặc thành phố thông minh (smart city), việc theo dõi, quản lý, vận hành các nguồn lực của thành phố (hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng số, điện, nước, phương tiện giao thông, người dân, cơ hội kinh tế, sự cơ động xã hội, môi trường tự nhiên, lối sống và quản trị hành chính đối với hoạt động của thành phố)
[15] sẽ trở nên dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó, việc quản trị thành phố với nội dung cốt lõi là tổ chức thi hành pháp luật và cung cấp dịch vụ công trong phạm vi các thành phố sẽ có sự ứng dụng phổ biến các công nghệ hiện đại như Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo v.v.
[16] Kinh nghiệm thực tế cho thấy, để triển khai các dự án quản trị thành phố theo hướng thông minh hóa như vậy, vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn mạng cần được coi trọng hàng đầu. Các công nghệ số, hệ thống công nghệ thông tin, robot, trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện các khía cạnh đời sống và sinh hoạt trong thành phố trong tương lai nhưng nếu thiếu một hệ thống phòng thủ không gian mạng (hệ thống an ninh, an toàn mạng hữu hiệu) các công cụ này sẽ đưa những trung tâm đô thị công nghệ cao đối mặt với những rủi ro và hàng loạt các cuộc tấn công mạng.
[17]
[1] Các chuyên gia thường gọi những công nghệ này là “công nghệ thông minh”, tức là các công nghệ mà việc ứng dụng chúng trong thực tế để giải quyết các bài toán nhân sinh giúp cho cuộc sống của con người trở nên “thông minh hơn” [K. B. Akhilesh and Dietmar P. F. Möller (eds),
Smart Technologies: Scope and Application (Singapore: Springer, 2020) at 1].
[2] Ruggero J. Aldisert,
Logic for Lawyers: A Guide to Clear Legal Thinking (E-book © 2012 by the National Institute for Trial Advocacy).
[3] Trong tiếng Việt, “tư duy” được hiểu là “giai đoạn cao của quá trình nhận thức, đi sâu vào bản chất và phát hiện ra tính quy luật của sự vật bằng những hình thức như biểu tượng, khái niệm, phán đoán và suy lí” (xem: Hoàng Phê (chủ biên),
Từ điển tiếng Việt, Nxb. Đà Nẵng, 2004, tr.1070).
[4] Khoản 1 Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[5] Điều 35 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[6] Theo Mẫu số 02 Phụ lục V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
[7] Theo Mẫu số 01 Phụ lục V Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[8] Khoản 3 và Khoản 4 Điều 34 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[9] Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015; Điều 10 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP.
[10] Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị góp ý, cơ quan, tổ chức được lấy ý kiến có trách nhiệm góp ý bằng văn bản về đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh; Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn tài chính, Bộ Nội vụ có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về nguồn nhân lực, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về sự tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, Bộ Tư pháp có trách nhiệm gửi báo cáo đánh giá về tính hợp hiến, tính hợp pháp, tính thống nhất của đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với hệ thống pháp luật đến cơ quan... lập đề nghị (Khoản 2 Điều 36 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015).
[11] Điều 39 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[12] Điều 40 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[13] Điều 41 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[14] Điều 42 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
[15] Có quan điểm cho rằng, cần có bộ chỉ số đánh giá về mức độ “thông minh” của thành phố thông minh thông qua các chỉ số (KPIs) như: (1) Chỉ số về kinh tế (GDP bình quân đầu người tính theo sức mua tương đương; tỷ lệ về phát minh/sáng chế; mức độ hấp dẫn quốc tế); (2) Chỉ số về xã hội (tỷ lệ gia đình phải sử dụng tới nhà ở xã hội; tỷ lệ tội phạm/1 ngàn dân; tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử ở cấp địa phương; tỷ lệ thất nghiệp); (3) Chỉ số về môi trường (tỷ lệ rác thải/chất thải được tái chế; số ngày trung bình trong năm trong đó độ tập trung PM10 vượt ngưỡng an toàn về sức khỏe; khối lượng phát thải CO2 bình quân đầu người; tỷ lệ phát thải CO2/GDP) [xem: Michele Osella, Enrico Ferro and Elisa Pautasso, “Toward a Methodological Approach to Assess Public Value in Smart Cities” in J. Ramon Gil-Garcia, et. al (eds.),
Smarter as the New Urban Agenda: A Comprehensive View of the 21st Century (London: Springer, 2016) 129 at 141].
[16] Có quan điểm cho rằng, khi đánh giá mức độ thông minh của một thành phố, cần dựa vào 14 tiêu chí sau: (1) Dịch vụ mạng băng thông rộng (để phục vụ nhu cầu của chính quyền, hệ thống y tế và chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục (trường học), các hộ gia đình và doanh nghiệp). Quá trình đánh giá này tính tới giá dịch vụ băng thông rộng được cung cấp và điều kiện cung cấp (trong đó có cả yếu tố cạnh tranh trong cung cấp dịch vụ); (2) Hệ thống giao thông thông minh: gồm giao thông đường bộ, đường sắt, đường hàng không và hệ thống giao thông công cộng thông minh. Được đo lường từ góc độ “chất lượng” và “độ bao phủ” của hệ thống giao thông công cộng, mức độ thông minh của hệ thống đường bộ, đường sắt, đường hàng không, xe đạp/ô tô xét từ khía cạnh: sự kiểm soát, mức độ thích ứng với các dạng sử dụng khác nhau trong ngày và trong tuần, mức độ an ninh, an toàn khi sử dụng; (3) Hệ thống năng lượng thông minh và mức độ bền vững (khả năng cung cấp năng lượng dự phòng khi xảy ra tình huống khẩn cấp, mức độ an toàn của hệ thống điện v.v.); (4) Dịch vụ tiện ích chất lượng cao và được quản lý hiệu quả (điện, nước, khí ga v.v.); (5) Hệ thống giáo dục chất lượng cao; (6) Hệ thống y tế được cải thiện; (7) Tinh thần cộng đồng và mức độ tham gia của người dân trong việc ra quyết định của chính quyền và cộng đồng; (8) Nhà ở, việc làm; (9) Sự ổn định tài chính, chất lượng kế hoạch tài chính và sự mở rộng kinh tế; (10) Hệ thống kiểm soát tự động an toàn và hiệu lực cho tất cả các hạ tầng; (11) Dịch vụ thư viện, văn hóa và nghệ thuật; (12) Sự bền vững của tăng trưởng và phát triển; (13) Kế hoạch bao trùm và hiệu lực cao để hỗ trợ tăng trưởng; (14) Có tầm nhìn xa (Joseph N. Pelton & Indu B. Singh, Smart Cities of Today and Tomorrow: Better Technology, Infrastructure and Security (Switzerland: Springer, 2019) at 12-16).
[17] Joseph N. Pelton & Indu B. Singh, Smart Cities of Today and Tomorrow: Better Technology, Infrastructure and Security (Switzerland: Springer, 2019) at 17.