Ngày 03 tháng 6 năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó có nhiệm vụ “Xây dựng quy định và lộ trình yêu cầu tích hợp công nghệ 4G, 5G đối với các sản phẩm điện thoại di động và các thiết bị Internet vạn vật (IoT) được sản xuất và nhập khẩu để lưu thông trên thị trường trong nước”. Chính lý do đó, Ngày 31/12/2020, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 43/2020/TT-BTTTT ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất - Phần truy nhập vô tuyến” để giúp cho việc thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia trong thời gian tới.
Về các nội dung chính của QCVN
- Về phạm vi áp dụng: Quy chuẩn này quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến của các thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất gồm máy điện thoại di động và các thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất không phải máy điện thoại di động.
Máy điện thoại di động phải sử dụng công nghệ E-UTRA (4G) và hoạt động trên toàn bộ hoặc một trong các băng tần quy định và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Quy chuẩn.
Trường hợp máy điện thoại di động có tích hợp công nghệ W-CDMA FDD (3G) phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục B của Quy chuẩn; trường hợp máy điện thoại di động có tích hợp công nghệ GSM (2G) phải tuân thủ thêm các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục C của Quy chuẩn.
Thiết bị đầu cuối thông tin di động mặt đất không phải máy điện thoại di động nếu tích hợp/sử dụng công nghệ E-UTRA thì phải hoạt động trên toàn bộ hoặc một trong các băng tần quy định từ Bảng 1 đến Bảng 5 và tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại điều 2 của quy chuẩn này; trường hợp nếu tích hợp/sử dụng công nghệ W-CDMA FDD phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục B của quy chuẩn này; trường hợp nếu tích hợp/sử dụng công nghệ GSM phải tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật quy định tại Phụ lục C của quy chuẩn này.
Quy chuẩn này không quy định các yêu cầu kỹ thuật phần truy nhập vô tuyến sử dụng công nghệ NB-IoT, LTE-M và 5G.
- Về quy định kỹ thuật: QCVN quy định các chỉ tiêu như: Yêu cầu kỹ thuật của phần phát (Công suất ra cực đại của máy phát; Mặt nạ phổ phát xạ của máy phát; Băng thông kênh chiếm dụng ; …); Yêu cầu kỹ thuật của phần thu (Đặc tính chặn của máy thu; Đáp ứng giả của máy thu ; …); Phương pháp đo (Điều kiện môi trường; Giải thích kết quả đo ; Phương pháp đo …).
- Về phương thức quản lý và trách nhiệm của tổ chức cá nhân: Các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thực hiện các quy định về chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy theo các quy định hiện hành.
- Về tổ chức thực hiện: QCVN quy định Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai QCVN này.
- Về Điều khoản chuyển tiếp: Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy đối với máy điện thoại di động sử dụng công nghệ E-UTRA có hoặc không tích hợp công nghệ W-CDMA FDD, GSM và thiết bị đầu cuối thông tin di động không phải máy điện thoại di động đã được cấp trước ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và đang còn thời hạn được tiếp tục áp dụng cho đến hết thời hạn hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy, Thông báo tiếp nhận Bản công bố hợp quy.
Thông tư ban hành QCVN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2021 và các thông tư số 02/2018/TT-BTTTT ngày 13/4/2018, Thông tư số 22/2015/TT-BTTTT ngày 17/8/2015, Thông tư số 23/2015/TT-BTTTT ngày 17/8/2015 hết hiệu lực kể từ ngày 01/7/2021.