Hiện nay, cả nước có hơn 10.000 đài truyền thanh cấp xã. Trong đó, nhiều đài truyền thanh sử dụng các phương thức vận hành cũ, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp thiết trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Nhiều trường hợp khẩn cấp hoặc cần có sự truyền đạt thông tin chính xác thì các đài truyền thanh cấp xã chưa đáp ứng được. Để hiện đại hóa hệ thống đài truyền thanh cấp xã, đáp ứng được yêu cầu của thời đại mới nói riêng và nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở nói chung, Thủ tướng Chính phủ đã Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 135/QĐ-TTg ngày 20/01/2020 phê duyệt Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó có nhiệm vụ xây dựng, hoàn thiện trên hệ thống truyền thanh cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông. Để tạo hành lang pháp lý cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Thông tư số 39/2020/TT-BTTTT ngày 24/11/2020 quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông.
Thông tư được kết cấu bao gồm 06 chương và 18 điều và 05 Phụ lục ban hành kèm theo. Bao gồm:
- Chương I - Quy định chung;
- Chương II - Danh mục thiết bị cơ bản và yêu cầu kỹ thuật của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông;
- Chương III - Kết nối, chia sẻ dữ liệu của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông;
- Chương IV - An toàn thông tin đối với hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin – viễn thông;
- Chương V - Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị;
- Chương VI - Điều khoản thi hành.
Một số nội dung chính của Thông tư
Thông tư quy định về quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông bao gồm: Danh mục thành phần cơ bản và yêu cầu kỹ thuật; mô hình kết nối và yêu cầu chia sẻ dữ liệu; an toàn thông tin; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông.
Danh mục thành phần cơ bản của đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông gồm thiết bị phần cứng (Cụm thu phát thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Thiết bị quản lý, lưu trữ thông tin và sản xuất chương trình phát thanh; Loa; Micro; Các thiết bị, vật tư khác) và phần mềm (Phần mềm hệ thống phục vụ hoạt động của cụm thu phát thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông; Phần mềm của hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông của tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương). Các danh mục này phải đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư.
Bên cạnh đó, khi cần kết nối đài truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin-viễn thông với đài truyền thanh có dây, đài truyền thanh không dây FM đang hoạt động các đài truyền thanh này phải sử dụng thiết bị tích hợp tự động đáp ứng yêu cầu cơ bản về kỹ thuật theo quy định.
Ngoài ra, hệ thống thông tin nguồn trung ương và hệ thống thông tin nguồn cấp tỉnh khi kết nối, chia sẻ dữ liệu với nhau hoặc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các thành phần khác phải có biện pháp đảm bảo an toàn dữ liệu đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin theo Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 và Thông tư số 03/2017/TT-BTTTT ngày 24/4/2017.
Thông tư cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông, bao gồm trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp xã.
Thông tư quy định điều khoản chuyển tiếp đối với đài truyền thanh cấp xã ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông đã được đầu tư nhưng chưa đáp ứng các quy định của Thông tư thì sau thời hạn 12 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành, các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm áp dụng, nâng cấp, hoàn thiện đảm bảo tuân thủ các quy định tại Thông tư.
Thông tư có hiệu lực kể từ ngày 18/01/2021.