Theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-BTTTT ngày 18/03/2013 của Bộ Thông tin và Truyền thông, các chủng loại máy thu hình sử dụng công nghệ màn hình LCD, PDP, LED, OLED và các công nghệ màn hình tiếp theo được sản xuất và nhập khẩu để sử dụng tại Việt Nam, đối với các màn hình trên 32 inch, từ ngày 01/04/2014 phải tích hợp chức năng thu truyền hình số mặt đất tiêu chuẩn DVB-T2 (đối với màn hình dưới 32 inch áp dụng từ ngày 01/04/2015). Trên thực tế, từ năm 2015, hàng năm, khoảng 2,5 triệu tivi tích hợp thiết bị giải mã DVB-T2 được tiêu thụ tại thị trường Việt Nam. Tận dụng điều này, một số doanh nghiệp truyền hình cáp như Tổng Công ty truyền hình cáp Việt Nam (VTVCab), Công ty cổ phần truyền hình SaigonTourist (SCTV)… đã triển khai thử nghiệm cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền cáp bằng cách điều chế tín hiệu truyền hình DVB-T2 trong mạng cáp để cung cấp đến các thuê bao thay thế cho công nghệ truyền hình cáp tương tự.
Việc ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng dịch vụ truyền hình cáp số ứng dụng công nghệ DVB-T2 thực sự cần thiết, có ý nghĩa thực tiễn cao, do:
- Đối với doanh nghiệp: Có quy chuẩn kỹ thuật để triển khai quản lý chất lượng dịch vụ đồng bộ, chính thức chuyển đổi công nghệ từ cáp tương tự sang cáp số với chất lượng cao, truyền tải nhiều chương trình đến thuê bao trên cơ sở tận dụng hạ tầng mạng cáp sẵn có.
- Đối với người dân: Thụ hưởng dịch vụ truyền hình cáp chất lượng cao, nhiều chương trình trên dịch vụ hơn, chất lượng tốt hơn với các thiết bị tivi đã được tích hợp sẵn bộ giải mã DVB-T2 mà không phải đầu tư thêm các Settop box đơn lẻ.
- Đối với cơ quan nhà nước: Có đủ căn cứ để thực hiện chức năng quản lý về chất lượng dịch vụ, thúc đẩy việc số hóa công nghệ truyền hình.
Về các nội dung chính của QCVN
- Về phạm vi áp dụng: Quy chuẩn này quy định về các yêu cầu chất lượng dịch vụ truyền hình cáp số ứng dụng công nghệ DVB-T2.
- Về quy định kỹ thuật: Quy định Các chỉ tiêu kỹ thuật (Mức tín hiệu cao tần; Băng thông của mỗi kênh; Sai lệch đáp tuyến biên độ tần số tín hiệu cao tần; Độ di tần; Tỷ số tín hiệu cao tần trên tạp âm; Tỷ số lỗi bit; Tỷ số lỗi điều chế; Tỷ số lỗi điều chế; Độ rung pha) và Các chỉ tiêu về chất lượng phục vụ (Độ khả dụng của dịch vụ; Thời gian thiết lập dịch vụ; Khiếu nại của khách hàng về chất lượng dịch vụ; Hồi âm khiếu nại của khách hàng; Dịch vụ hỗ trợ khách hàng);
- Về phương thức quản lý và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân: Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình cáp số ứng dụng công nghệ DVB-T2 có trách nhiệm đảm bảo chất lượng dịch vụ tuân thủ Quy chuẩn này; thực hiện công bố chất lượng dịch vụ theo Quy chuẩn này và chịu sự kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước theo các quy định hiện hành.
Trách nhiệm cụ thể của DNCCDV được quy định tại Thông tư số 24/2016/TT-BTTTT ngày 15 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về quản lý chất lượng dịch vụ phát thanh, truyền hình.
- Về tổ chức thực hiện: QCVN quy định rõ trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức triển khai quản lý là Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Viễn thông và các Sở Thông tin và Truyền thông.
Thông tư ban hành QCVN có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/4/2021.