Sau hơn 7 năm thi hành Luật giám định tư pháp, công tác giám định tư pháp đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên, Luật này cũng đã bộc lộ nhiều bất cập trước những yêu cầu mới của đời sống xã hội, của hoạt động tố tụng. Trước yêu cầu thực tiễn của công tác giám định tư pháp và đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình mới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giám định tư pháp đã được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 10 tháng 6 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/1/2021.
I. MỤC ĐÍCH, QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
1. Mục đích
Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật năm 2012 là nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp, phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đồng thời thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng; nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu giám định của hoạt động tố tụng nói chung và trong giải quyết án tham nhũng, kinh tế nói riêng.
2. Quan điểm chỉ đạo
2.1. Tiếp tục thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về nâng cao chất lượng hoạt động giám định tư pháp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động tố tụng.
2.2. Tập trung sửa đổi, bổ sung nhanh chóng, kịp thời những vấn đề mang tính cấp bách, cần thiết nhất để tháo gỡ vướng mắc, bất cập về thể chế, khắc phục ngay những tồn tại, khó khăn trong công tác giám định tư pháp phục vụ giải quyết án tham nhũng, kinh tế, không mở rộng sửa đổi sang các nội dung của Luật đã có tính ổn định, bền vững.
II. PHẠM VI SỬA ĐỔI VÀ NỘI DUNG MỚI CỦA LUẬT
1. Phạm vi sửa đổi
Luật này sửa đổi, bổ sung một số quy định của Luật năm 2012 về phạm vi giám định tư pháp; nguyên tắc thực hiện giám định; hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với cấp, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp; quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; tổ chức giám định tư pháp công lập; điều kiện thành lập Văn phòng giám định tư pháp; công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc; quyền và nghĩa vụ của người trưng cầu giám định; quyền và nghĩa vụ của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, yêu cầu giám định; trưng cầu giám định; thời hạn giám định; văn bản ghi nhận quá trình thực hiện giám định; kết luận giám định; hồ sơ giám định; chi phí giám định; nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý (Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đối với công tác giám định tư pháp; trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp; hiệu lực thi hành.
Dự án Luật đã sửa đổi, bổ sung các điều, khoản cụ thể như sau: bổ sung 01 điều (Điều 26a về thời hạn giám định); sửa đổi, bổ sung 08 điều (Điều 10; Điều 20; Điều 24; Điều 25; Điều 31; Điều 32; Điều 36; Điều 41); bổ sung 04 khoản; sửa đổi, bổ sung 22 khoản; bổ sung 04 điểm và sửa đổi, bổ sung 09 điểm.
2. Những nội dung cơ bản được sửa đổi, bổ sung
2.1. Phạm vi của giám định tư pháp
Để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật tố tụng và đáp ứng nhu cầu giám định của hoạt động tố tụng, phạm vi giám định tư pháp đã được sửa đổi theo hướng mở rộng đến cả giám định được trưng cầu, thực hiện ngay từ giai đoạn “khởi tố”, thay vì từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự như quy định hiện hành (khoản 1 Điều 2).
2.2. Hồ sơ, thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm giám định viên tư pháp gắn với việc cấp, thu thẻ giám định viên tư pháp
Để khắc phục tình trạng bất cập, rườm rà về thủ tục hành chính trong quá trình làm hồ sơ bổ nhiệm giám định viên tư pháp đối với người đang là công chức, viên chức, sĩ quan trong lực lượng vũ trang, Luật sửa đổi, bổ sung đã bổ sung quy định: “Trường hợp người được đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp đang là công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì không cần có Phiếu lý lịch tư pháp." (khoản 3 Điều 8).
Do có bổ sung tổ chức giám định công lập là Phòng giám định kỹ thuật hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao, nên Luật có quy định Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm giám định viên kỹ thuật hình sự thuộc cơ quan mình và tương tự như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tối cao xem xét, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an miễn nhiệm giám định viên tư pháp thuộc cơ quan mình cho bảo đảm nguyên tắc thẩm quyền quản lý về lĩnh vực giám định kỹ thuật hình sự của Bộ Công an (khoản 2 Điều 9 và khoản 3 Điều 10).
Để góp phần bảo đảm điều kiện thuận lợi cho giám định viên trong quá trình hoạt động giám định, nhất là tham gia tố tụng với tư cách là người giám định tư pháp, Luật đã bổ sung quy định về cấp thẻ cho người được bổ nhiệm giám định viên tư pháp và thu hồi thẻ khi miễn nhiệm với nguyên tắc: người có thẩm quyền bổ nhiệm giám định viên tư pháp thì thẩm quyền cấp (cấp mới, cấp lại) thẻ giám định viên tư pháp; việc cấp thẻ giám định viên tư pháp được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về mẫu thẻ, trình tự, thủ tục cụ thể (khoản 4 Điều 9).
Để khắc phục bất cập về vấn đề miễn nhiệm trong quản lý đối với đội ngũ giám định viên tư pháp ở các bộ, ngành và địa phương, Luật đã bổ sung một số trường hợp miễn nhiệm giám định viên tư pháp trong trường hợp: (1) có quyết định nghỉ hưu hoặc quyết định thôi việc, trừ trường hợp tiếp tục tham gia hoạt động giám định tư pháp; (2) chuyển đổi vị trí công tác hoặc chuyển công tác sang cơ quan, tổ chức khác mà không còn điều kiện thực hiện giám định; (3) theo đề nghị của giám định viên tư pháp, nhưng đối với công chức, viên chức, sĩ quan quân đội, sĩ quan công an nhân dân, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng thì có sự chấp thuận của cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp; (4) giám định viên tư pháp được bổ nhiệm để thành lập Văn phòng giám định tư pháp nhưng không thành lập Văn phòng hoặc thành lập Văn phòng rồi mà không đăng ký hoạt động (điểm đ, điểm e, điểm g và điểm h khoản 1 Điều 10).
2.3. Tổ chức giám định công lập trong lĩnh vực kỹ thuật hình sự
Để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời yêu cầu giám định về âm thanh, hình ảnh từ các dữ liệu điện tử được thu thập ngày càng tăng mạnh trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử các vụ án nói chung và các vụ án tham nhũng, kinh tế nói riêng, Luật đã có quy định về “Phòng giám định hình sự thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao” (tại khoản 5 Điều 12). Đây là tổ chức giám định tư pháp công lập mới có tính chất đặc thù, được bổ sung vào hệ thống tổ chức giám định kỹ thuật hình sự. Do đó, Luật cũng đã có quy định Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất ý kiến với Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong việc quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự và trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn (khoản 7 Điều 12).
2.4. Công nhận và đăng tải danh sách người, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc
Để khắc phục bất cập của quy định hiện hành và phát huy vai trò, trách nhiệm của Cơ quan thuộc Chính phủ trong việc bảo đảm đáp ứng yêu cầu giám định của thực tiễn hoạt động tố tụng, Luật đã bổ sung Cơ quan thuộc Chính phủ trong việc lựa chọn cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của pháp luật (Điều 18 và Điều 19) để ra quyết định công nhận, đăng tải, rà soát, cập nhật danh sách người giám định tư pháp theo vụ việc, tổ chức giám định tư pháp theo vụ việc trên cổng thông tin điện tử của cơ quan mình, đồng thời gửi Bộ Tư pháp để lập danh sách chung, tương tự như các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về vấn đề này.
Bên cạnh đó, Luật cũng đã bổ sung quy định: trong trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thì Cơ quan thuộc Chính phủ, Kiểm toán nhà nước, cơ quan trung ương đóng trên địa bàn cấp tỉnh có trách nhiệm giới thiệu cá nhân, tổ chức có đủ tiêu chuẩn, điều kiện (quy định tại Điều 18 và Điều 19 của Luật này) thực hiện giám định ngoài danh sách đã được công bố ((khoản 2 Điều 20). Đây là quy định mới nhằm huy động các chuyên gia giỏi ở các cơ quan này tham gia hoạt động giám định tư pháp để góp phần bảo đảm đáp ứng kịp thời, có chất lượng yêu cầu của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án nói chung, án tham nhũng kinh tế nói riêng.
2.5. Quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp, người giám định tư pháp theo vụ việc; người giám định tư pháp khi thực hiện giám định
Để bảo đảm điều kiện cho người giám định tư pháp có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ giám định của mình, Luật đã: (1) bổ sung quyền và nghĩa vụ của giám định viên tư pháp khi từ chối tiếp nhận trưng cầu, yêu cầu thực hiện giám định trong một số trường hợp nếu các yếu tố về chuyên môn, điều kiện, nguyên tắc làm giám định không được bảo đảm (khoản 2 Điều 11). Tương ứng, người giám định tư pháp theo vụ việc cũng được bổ sung thêm các quyền và nghĩa vụ này vì khoản 3 Điều 18 đã dẫn chiếu quy định này; (2) bổ sung quyền của người giám định tư pháp khi thực hiện giám định gồm: (i) đề nghị người trưng cầu giám định hoặc cơ quan có thẩm quyền thực hiện biện pháp bảo vệ theo quy định của pháp luật tương tự như người tố giác tội phạm, người làm chứng… quy định tại Điều 484 của Bộ luật tố tụng hình sự; (ii) từ chối thực hiện giám định tư pháp trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 11 nêu trên và (iii) quyền được bố trí vị trí phù hợp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (điểm d, điểm đ, điểm e khoản 1 Điều 23).
2.6. Nghĩa vụ của người trưng cầu giám định
Để nâng cao hơn nữa trách nhiệm của người trưng cầu giám định tư pháp trong việc trưng cầu giám định và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định của tổ chức, cá nhân được trưng cầu, thực hiện giám định, Luật đã bổ sung, sửa đổi một số nghĩa vụ của người trưng cầu giám định như: xác định rõ nội dung, lĩnh vực hoặc chuyên ngành cần giám định trong vụ án, vụ việc đang giải quyết; cung cấp kịp thời, đầy đủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin, tài liệu, mẫu vật có liên quan đến đối tượng, nội dung cần giám định theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức thực hiện giám định tư pháp; thực hiện hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để bảo vệ người giám định hoặc người thân thích của người giám định (điểm a, điểm c, điểm đ khoản 2 Điều 21).
2.7. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp
Để bảo đảm điều kiện cho tổ chức được trưng cầu hoàn thành tốt nhiệm vụ thực hiện giám định của mình, Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quyền và nghĩa vụ của tổ chức này như quyền được yêu cầu người trưng cầu, yêu cầu giám định cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc thực hiện giám định; từ chối tiếp nhận trưng cầu, thực hiện giám định trong một số trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24; đồng thời Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số nghĩa vụ của tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp nhằm tăng cường trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định của tổ chức này, cụ thể như: phải phân công người có trình độ chuyên môn, khả năng nghiệp vụ phù hợp với nội dung trưng cầu, yêu cầu giám định; chỉ đạo, đôn đốc việc tổ chức thực hiện giám định; bảo đảm thời gian, trang thiết bị, phương tiện và các điều kiện cần thiết khác cho việc thực hiện giám định…; phải chịu trách nhiệm về kết luận giám định do mình đưa ra (điểm a, điểm b, điểm d và điểm đ khoản 2 Điều 24).
2.8. Trưng cầu giám định tư pháp
Nhằm góp phần khắc phục những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong trưng cầu và thực hiện giám định trong các vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, Điều 25 của Luật đã được sửa đổi, bổ sung, đặc biệt trong đó đã bổ sung quy định mang tính nguyên tắc về cơ chế thông tin, phối hợp giữa cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng với cá nhân, tổ chức dự kiến được trưng cầu giám định và cơ quan có liên quan về nội dung trưng cầu, thời hạn giám định, thông tin, tài liệu, mẫu vật cần cho việc giám định và các vấn đề khác có liên quan (nếu có) trước khi ban hành Quyết định trưng cầu (khoản 4). Đồng thời, Luật cũng bổ sung quy định về trưng cầu giám định trong trường hợp nội dung giám định của vụ việc liên quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn thì người trưng cầu giám định phải xác định được nội dung chính cần giám định để xác định tổ chức chủ trì và tổ chức phối hợp; quy định cụ thể trách nhiệm, nguyên tắc phối hợp của tổ chức chủ trì, tham gia triển khai nhiệm vụ giám định, giải quyết các vướng mắc, khó khăn phát sinh trong quá trình trưng cầu, phối hợp triển khai thực hiện giám định (khoản 5).
2.9. Thời hạn giám định
Thể chế hóa chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng về khắc phục tình trạng vô thời hạn trong hoạt động giám định của một số vụ án, nhất là án tham nhũng, kinh tế, quy định về thời hạn giám định đã được bổ sung vào trong Luật tại Điều 26a. Theo đó, thời hạn giám định tư pháp được tính từ ngày tổ chức, cá nhân được trưng cầu giám định nhận được quyết định trưng cầu giám định và kèm theo đầy đủ hồ sơ, đối tượng giám định, thông tin, tài liệu, đồ vật, mẫu vật cần thiết cho việc giám định… Thời hạn giám định theo quy định của Luật này chỉ áp dụng đối với trường hợp không thuộc trường hợp bắt buộc phải trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự và có thời hạn tối là 03 tháng, nếu có tính chất phức tạp hoặc khối lượng công việc lớn thì thời hạn giám định tối đa là 04 tháng, nếu có gia hạn thì không quá một phần hai thời hạn giám định tối đa đối với loại việc đó.
Căn cứ vào thời hạn giám định tối đa theo quy định nêu trên và tính chất chuyên môn đặc thù của lĩnh vực giám định, tới đây, các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp quy định thời hạn giám định cho từng loại việc cụ thể.
2.10. Kết luận giám định
Để khắc phục một số hạn chế về kết luận giám định tư pháp trong thực tiễn hiện nay, quy định về kết luận tại Điều 32 đã được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu và nguyên tắc mang tính đặc thù của văn bản kết luận giám định như kết luận giám định phải rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo trưng cầu, yêu cầu giám định; bỏ quy định về chứng thực chữ ký của người giám định theo quy định của pháp luật về chứng thực khi trưng cầu, yêu cầu giám định đích danh cá nhân người giám định; đồng thời, phân định rõ hơn nữa trách nhiệm của người giám định, tổ chức cử người làm giám định trong việc ký, xác nhận chữ ký đối với người giám định trong bản kết luận giám định.
2.11. Hồ sơ giám định
Để khắc phục một số vướng mắc, khó khăn về hồ sơ giám định, lưu trữ, bảo quản hồ sơ giám định, Luật đã sửa đổi, bổ sung quy định khoản 2, khoản 3 Điều 33, trong đó quy định rõ hơn trách nhiệm của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong việc quy định chi tiết về mẫu, thành phần hồ sơ từng loại việc giám định và chế độ lưu trữ hồ sơ giám định ở lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý;
tổ chức được trưng cầu, thực hiện giám định tư pháp trong việc bảo quản, lưu trữ hồ sơ giám định do người giám định thuộc tổ chức mình thực hiện...
2.12. Nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với công tác giám định tư pháp
Nhằm phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này đã được bổ sung như: ban hành quy trình giám định, thời hạn giám đối với từng loại việc giám định; chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm chất lượng,hiệu quả hoạt động giám định thuộc thẩm quyền quản lý…; tôn vinh, khen thưởng cá nhân, tổ chức giám định tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp ở bộ, ngành mình… (khoản 1 Điều 41).
Ngoài vai trò là cơ quan quản lý giám định tư pháp, Bộ Công an còn có nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp và đã được bổ sung như sau: ban hành chỉ tiêu thống kê, thực hiện thống kê hằng năm về giám định tư pháp trong hệ thống cơ quan điều tra trong công an nhân dân;
hằng năm, tổng kết và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan về vấn đề này; chỉ đạo Công an cấp tỉnh gửi báo cáo về Sở Tư pháp, đồng thời gửi sở, ngành có liên quan về chế độ thống kê, báo cáo về giám định tư pháp; lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp (khoản 2 Điều 42). Nhiệm vụ và quyền hạn của Bộ Quốc phòng cũng được sửa đổi, bổ sung tương tự như Bộ Công an (khoản 3 Điều 42).
Với tính chất đặc thù của mình, cơ quan thuộc Chính phủ đã được bổ sung quy định về có nhiệm vụ, quyền hạn của mình như sau: xây dựng quy trình giám định đề nghị bộ, cơ quan ngang bộ quản lý chuyên môn về lĩnh vực giám định tư pháp ban hành theo thẩm quyền và một số nhiệm vụ, quyền hạn khác tương tự của bộ, cơ quan ngang bộ nhằm bảo đảm về tổ chức, hoạt động và quản lý giám định tư pháp tại cơ quan mình (khoản 2 Điều 41).
Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cũng được bổ sung, sửa đổi ở một số nội dung nhằm bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý giám định tư pháp ở địa phương (khoản 1 Điều 43).
2.13. Trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao đối với công tác giám định tư pháp
Để bảo đảm phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với công tác giám định tư pháp cũng như góp phần khắc khục những khó khăn, vướng mắc có liên quan, Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã được bổ sung, sửa đổi một số trách nhiệm như: (1) ban hành chỉ tiêu thống kê và tổ chức thực hiện thống kê về trưng cầu về giám định trong hệ thống cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và báo cáo Quốc hội trong báo cáo công tác hằng năm, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tư pháp, bộ, ngành có liên quan ở Trung ương và Sở Tư pháp, sở, ngành có liên quan ở địa phương; (2) Lập dự toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cấp kinh phí bảo đảm chi trả kịp thời, đầy đủ chi phí giám định tư pháp, chi phí tham dự phiên tòa của người giám định trong hệ thống Tòa án, Viện kiểm sát.
Để bảo đảm thực thi trên thực tế “quyền có vị trí phù hợp tại phiên tòa” của người giám định tư pháp, Luật đã bổ sung quy định trách nhiệm của Tòa án nhân dân tối cao trong việc hướng dẫn về bố trí vị trí phù hợp của người giám định tư pháp khi tham gia tố tụng tại phiên tòa (khoản 5 Điều 44).
Riêng đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao còn có trách nhiệm của cơ quan quản lý Phòng giám định kỹ thuật hình sự nên cơ quan này có thêm các trách nhiệm như sau: chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc thành lập, củng cố, kiện toàn tổ chức của Phòng giám định kỹ thuật hình sự; đăng tải và cập nhật danh sách giám định viên tư pháp trên cổng thông tin điện tử Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đồng thời gửi danh sách đó cho Bộ Tư pháp; kiểm tra, thanh tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp của Phòng giám định kỹ thuật hình sự; hằng năm, đánh giá chất lượng hoạt động giám định thuộc thẩm quyền quản lý; tôn vinh, khen thưởng giám định viên tư pháp có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp; tổng kết về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý và gửi báo cáo về Bộ Tư pháp để tổng hợp báo cáo Chính phủ (khoản 6 Điều 44)./.